Hôm nay (ngày 6/4), UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2024.
Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà tư trong nước và quốc tế.
Về phía tỉnh Thừa Thiên-Huế, có sự tham dự của đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đồng chí lãnh đạo các sở ban ngành đóng trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị “3 trong 1”: công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên-Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng trước hết dành thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch.
Về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ, Thừa Thiên-Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt, là cầu nối từ Bắc vào Nam. “Việc phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thừa Thiên-Huế có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển-đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.
Thừa Thiên-Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế); đặc biệt là hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, theo Thủ tướng, Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa.
Người Thừa Thiên-Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, “rất Huế”, hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời. Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định với sự phát triển của Thừa Thiên-Huế.
Thừa Thiên-Huế có hệ thống giáo dục, y tế phát triển với Đại học Huế, Trường Đại học Phú Xuân, Trường Quốc học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch; tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, đồng bộ với địa phương; cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên-Huế: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân – đong – đo – đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn nhận được tình cảm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; nhất là sau khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên -Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ thông qua Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54 và Quốc hội thông qua Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế; những nội dung trên đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và động lực quan trọng để xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
“Thông qua Hội nghị lần này, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đang nghiên cứu và thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giới thiệu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với mong muốn ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế quan tâm, ưu tiên lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên-Huế”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ.
Lê Kông