Đón đầu xu thế hội nhập
Với quy mô đào tạo hơn 17.000 sinh viên đại học, hơn 300 học viên cao học và khoảng 50 tiến sĩ mỗi năm, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng là một trường đại học kỹ thuật hàng đầu của đất nước.
Đồng thời là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và giải pháp công nghệ, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Hiện trường đào tạo 39 ngành đại học, 17 ngành thạc sĩ, 15 ngành tiến sĩ, bao phủ đa số lĩnh vực cần thiết của kỹ thuật công nghệ. Trong đó nhiều ngành tiên phong đón đầu xu thế hội nhập của đất nước như trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội.
Tại lễ khai giảng năm học 2024 – 2025 sáng 9.9, ông Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Khoa học công nghệ chính là bệ phóng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, đây chính là nền tảng quan trọng để đất nước bắt kịp, tiến cùng thời đại.
Nguồn nhân lực trình độ cao về kỹ thuật công nghệ là yếu tố then chốt để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với thầy và trò Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.”
Theo lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa, đơn vị giáo dục này sẽ mở các lớp học phần giảng dạy bằng tiếng Anh. Từ đó các sinh viên có thể hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tiên phong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Ông Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định: “Đại học Bách Khoa là 1 trong 3 “cái nôi” có truyền thống đào tạo kỹ sư công nghệ hàng đầu của đất nước.
Trong 50 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng đã đào tạo hàng chục vạn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, nhà khoa học cho sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng cả nước nói chung.”
Theo ông Vũ, Trường Đại học Bách Khoa đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp lớn để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt đây còn là đơn vị tiên phong trong công tác chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng”, đến năm 2030, Đà Nẵng đào tạo (gắn với chính sách thu hút) ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, vi mạch, bao gồm 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ.
Hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực này theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm lớn của cả nước về thiết kế chip, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo.
Từng bước phát triển dịch vụ đóng gói, kiểm thử. Quy mô số lượng doanh nghiệp thiết kế tại Đà Nẵng được tăng lên ít nhất 20 doanh nghiệp. Đồng thời phấn đấu thu hút ít nhất một doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/da-nang-tien-phong-dao-tao-nguon-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-1391633.ldo