DNVN – Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca (Đại học quốc gia Hà Nội), hoạt động đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng phát triển giá trị cốt lõi khác biệt; tập trung cung cấp các sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng cao cho du lịch cao cấp, kinh tế biển…
Những điểm yếu cần khắc phục
Sáng ngày 29/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng tổ chức toạ đàm “Xây dựng cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng – Định hình thành phố đổi mới sáng tạo” nhằm xác định thực trạng và tình hình thực hiện cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay.
Toạ đàm “Xây dựng cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng – Định hình thành phố đổi mới sáng tạo” sáng 29/10.
Theo TS Lê Đức Viên – Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, cuộc tọa đàm không chỉ giúp xây dựng Đề án “Đà Nẵng – Thành phố ĐMST” mà còn nhằm định hình các giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp với hệ thống ĐMST của Đà Nẵng trong thời gian sắp tới (cả trong khu vực công và khu vực tư). Từ đó xây dựng được hành lang pháp lý phát triển ĐMST sáng tạo bền vững.
Tham luận trực tuyến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Trần Ngọc Ca – Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) cho hay Đà Nẵng xếp thứ 4 cả nước về chỉ số ĐMST (PII) năm 2023 (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng). Tuy nhiên TP vẫn còn các điểm yếu cần tập trung giải quyết là trình độ phát triển của doanh nghiệp (36,9 điểm); sản phẩm trí thức, sáng tạo và công nghệ (37 điểm).
Đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách giúp định hình Đà Nẵng trở TP ĐMST sáng tạo khu vực công – tư, PGS.TS Trần Ngọc Ca nhấn mạnh, TP cần duy trì và phát triển giá trị cốt lõi khác biệt; chú trọng đặc thù địa phương, đặc biệt là kinh tế biển công nghệ cao, thủy sản, du lịch, dịch vụ công nghệ cao; công nghiệp và dịch vụ thâm dụng tri thức.
Đồng thời phát triển song hành, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, thâm dụng tri thức như đào tạo thiết kế chip, phát triển ứng dụng AI, IoT ứng dụng vào kinh tế-xã hội. Đặc biệt ông nhấn mạnh: “ĐMST không chỉ là khởi nghiệp, cần tập trung nhiều hơn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp đang tồn tại; và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp”.
Theo ông, Đà Nẵng cần vận dụng tối đa nền tảng cơ chế, chính sách của quốc gia về ĐMST để trở thành một phần của hệ sinh thái quốc tế, phát triển Đà Nẵng trở thành “hub” (đầu mối) của Nam Trung bộ cho chuyển đổi kép. Xây dựng và thí điểm các chính sách đặc thù, vượt trội cho địa phương, dựa vào thế mạnh riêng có để tạo chính sách riêng; thu hút khu vực ngoài nhà nước như tư nhân, tập thể, vốn cộng đồng, nguồn lực quốc tế; hợp tác công-tư đa thành phần.
Tập trung cho du lịch cao cấp, kinh tế biển
Đưa ra một số gợi ý cụ thể, PGS.TS Trần Ngọc Ca cho rằng, với tiềm năng trở thành trung tâm lớn về du lịch cao cấp, ĐMST của Đà Nẵng cần tập trung cung cấp với khối lượng lớn, chất lượng cao các sản phẩm và dịch vụ sinh hoạt, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Tiếp cận phát triển theo chùm xoay quanh du lịch biển. Có thể đẩy mạnh nội địa hóa cung cấp các sản phẩm phục vụ cho du lịch cao cấp.
Hoạt động công nghệ và ĐMST tại Đà Nẵng cũng cần tập trung phục vụ cho phát huy các thế mạnh khác của TP như kinh tế biển, dịch vụ cảng, kho tiếp vận, hậu cần (logistics), đầu mối giao thông. Lựa chọn một số đối tác chiến lược hoặc tập đoàn đầu tư lớn (chủ đạo) để làm đầu tàu lôi kéo các nhà đầu tư khác, kể cả trong và ngoài nước.
Tận dụng triệt để những nguồn lực của các trung tâm xuất sắc đã có tại địa bàn và vùng di sản dọc miền Trung (Huế – Đà Nẵng – Nha Trang – Đà Lạt) như y sinh (Huế), hoa – rau (Đà Lạt), CNTT và công nghiệp (Đà Nẵng), thủy sản (Nha Trang); đồng thời liên kết chiến lược với một số TP/địa bàn ĐMST quốc tế. Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo như một nòng cốt không thể thiếu cho TP ĐMST.
Ông cũng đề nghị Đà Nẵng tạo ra không gian sống và làm việc hấp dẫn cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà quản lý, người làm nghệ thuật (các thành phần nòng cốt cho kinh tế sáng tạo). Thông qua nhiều khu căn hộ nghỉ dưỡng và du lịch cao cấp chạy dọc bờ biển, TP nên xây dựng chương trình thu hút nhân lực có trình độ, năng lực, nguồn lực đầu tư để tham gia vào phát triển kinh tế vùng nói chung và ĐMST nói riêng.
Hải Châu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/da-nang-doi-moi-sang-tao-can-tap-trung-cho-du-lich-cao-cap-kinh-te-bien/20241029112254873