Hoạt động gần 2 năm nay, Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp (Bana Rita Glamping Farm) của ông Lê Thanh Tuấn ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trở thành điểm hấp dẫn thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm. Khu du lịch này xây dựng trên diện tích 50.000 m2, mỗi tháng đón từ 2.000 đến 3.000 lượt khách đến tham quan. Du khách được trải nghiệm các hoạt động như: chăm sóc vật nuôi, trồng cây ăn quả, cắm trại, tận hưởng không khí trong lành. Tại đây còn bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Hòa Vang.
Mới đây, Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp của ông Lê Thanh Tuấn được thành phố Đà Nẵng công nhận đạt OCOP du lịch 4 sao. Đây là sản phẩm đầu tiên của Đà Nẵng thuộc nhóm “Dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp”.
Ông Lê Thanh Tuấn cho biết, khu du lịch này giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng/ người/ tháng, doanh thu khu du lịch đạt 6 tỷ đến 7 tỷ đồng/năm: “Trước đây, chúng tôi hoạt động về nông nghiệp, chủ yều về trồng keo. Sau này, chúng tôi thay thế dần và trồng cây ăn quả, cho thấy hiệu quả rất lớn. Chúng tôi tham gia giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đây là một trong vinh dự và trách nhiệm, làm sao để giữ gìn được giá trị để thu hút du khách. Chúng tôi sẽ làm mới các hoạt động du lịch nông nghiệp. Thời gian qua, được chính quyền các cấp đồng hành hỗ trợ và đồng hành rất lớn từ chính quyền các cấp.”
Mấy năm trước, người dân chỉ làm nông thuần túy, cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Từ khi hình thành làng du lịch sinh thái cộng đồng, bà con đã cải tạo vườn tược, hình thành nhiều mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế, như cam Vinh, bưởi da xanh, trồng rau thủy canh kết hợp phát triển du lịch trên đất trồng lúa để phục vụ khách du lịch. Từ khi làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động đã giúp người dân địa phương có thu nhập, nâng cao đời sống.
Hiện nay, Hợp tác xã Thái Lai- Saemaul, một mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng đã giúp các xã viên Hợp tác xã và người dân trong thôn được hưởng lợi kép từ nông nghiệp và du lịch. Ông Hồ Văn Hiệp, Trưởng thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Ban Giám sát Hợp tác xã Thái Lai- Saemaul cho biết: “Mùa hè này khách du lịch đến tham quan các chùa, cắm trại rất đông. Khách đến đông chia đều ra để mỗi người dân có hưởng lợi như nhau. Bà con rất hồ hởi làm du lịch, từ đó tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông sản và chăn nuôi gà tiệu thụ. Mong muốn các cấp chính quyền đầu tư để có nhiều điểm check-in thu hút thêm khách du lịch”.
Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 26 điểm du lịch sinh thái cộng đồng và 6 điểm du lịch nông nghiệp. Các mô hình du lịch này tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 20 đến 30 lao động. Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: để các mô hình phát huy hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành để quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp: “Huyện tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng ban hành nhiều cơ chế chính sách để giúp bà con khai thác du lịch trên đất nông nghiệp để tạo việc làm tại chỗ và thu nhập thêm. Định hướng sắp tới, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng đến nghỉ dưỡng ở nông thôn và nâng các sản phẩm du lịch nói chung để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách”.
Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và các ngành liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể làm du lịch ở huyện Hòa Vang như tập huấn công tác phục vụ khách, đưa bà con đi tham quan, học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương khác. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng trình Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 88 về hỗ trợ các mô hình, dự án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất nông lâm kết hợp gắn với phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ mô hình sản xuất, các dự án nông lâm ngư nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm rất tốt. Một số người dân dịch chuyển các mô hình nông nghiệp gắn với làm du lịch. Đây là hướng làm tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp, gắn phát triển du lịch nông nghiệp về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cùng huyện Hòa Vang có những quy hoạch chính sách, hỗ trợ các mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp làm sao những chính sách này mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, địa phương”.