Sở Du lịch TP. Đà Nẵng vừa có công văn yêu cầu giám đốc, chủ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm túc Luật Du lịch và các quy định liên quan trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Cụ thể, các cơ sở phải đảm bảo đầy đủ những điều kiện pháp lý trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch 2017; thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy đinh tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ trước khi đưa công trình, hạng mục vào khai thác, sử dụng.
Các cơ sở phải thông báo bằng văn bản cho Sở Du lịch về thời điểm hoạt động kinh doanh hoặc khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện pháp luật… Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch có quy mô dưới 20 phòng, đơn vị gửi thêm thông báo cho UBND quận/huyện, nơi cơ sở lưu trú đóng trụ sở.
Nghiêm cấm quảng bá không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận dưới mọi hình thức, kể cả trên các kênh truyền thông do đơn vị quản lý và các trang mạng xã hội, các trang dịch vụ đặt phòng trực tuyến.
Thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán cụ thể các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và bán đúng giá niêm yết; không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây sốt giá, nhất là trong các đợt lễ, Tết, sự kiện lớn…, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngành du lịch Đà Nẵng.
Thực hiện tốt các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các bệnh truyền nhiễm, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, phòng chống thiên tai… tại đơn vị.
Các cơ sở lưu trú du lịch phải đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong đón, phục vụ khách. Cụ thể, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị, an toàn dịch vụ; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Dịch vụ phải chuyên nghiệp, vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp; lưu ý thái độ, kỹ năng phục vụ, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống và quy trình đón khách.
Giám sát và đảm bảo môi trường du lịch tại khu vực kinh doanh của đơn vị; không để xảy ra tình trạng mua bán hàng rong, chèo kéo khách, gây ảnh hưởng đến giao thông, hình ảnh điểm đến và mất an toàn cho du khách. Nghiêm cấm các hành vi kinh doanh chụp giựt, chặt chém cũng như tình trạng bán hàng rong, đeo bám khách.
Về nguồn nhân lực, Sở Du lịch Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở chủ động rà soát, tuyển dụng lao động đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ nhằm đạt hiệu quả kinh doanh, giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu điểm đến; tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ quản lý, nhân viên (bao gồm nhân viên thời vụ), hướng dẫn việc đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Bên cạnh đó, các cơ sở cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm, dịch vụ hiện có của đơn vị để mang đến những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, tăng thêm trải nghiệm cho du khách; tích cực phối hợp chặt chẽ, đồng hành với Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan trong các hoạt động sự kiện, lễ hội, quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch đến với thành phố.
Sở Du lịch yêu cầu các cơ sở công khai tại quầy lễ tân, khu vực công cộng… các số điện thoại tiếp nhận phản ánh của các đơn vị và khách du lịch: Trung tâm Hỗ trợ du khách: 0236.3550111, Tổ phản ứng nhanh du lịch: 0919247009 và các ngành chức năng khác để các tổ chức, cá nhân, du khách kịp thời liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Đối với các quận, huyện, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị rà soát, thu thập đầy đủ dữ liệu các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch dưới 20 phòng được ủy quyền trên địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Các quận, huyện chủ động xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả việc đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được ủy quyền trên địa bàn quận, huyện trong năm 2024; trong đó tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) về điều kiện pháp lý hoạt động kinh doanh, an toàn cơ sở vật chất và trang thiết bị, an toàn thực phẩm và dịch vụ, chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ; việc công khai chính sách kinh doanh, khuyến mãi, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; việc xây dựng và triển khai phương án, quy trình xử lý sự cố liên quan đến khách tại cơ sở lưu trú du lịch.
Sở Du lịch cũng đề nghị các quận, huyện chủ động tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ, tác phong phục vụ khách cho nguồn nhân lực đang làm việc trong ngành du lịch trên địa bàn quản lý; chủ trì triển khai công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn…