Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong 3 năm gần đây, mỗi năm Đà Nẵng thu hút được từ 2.000 đến 2.700 tỷ đồng từ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Riêng năm 2023, Đà Nẵng tháo gỡ được 17 dự án thì đã có khoảng 47.000 tỷ đồng được các nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào.
Hiện Đà Nẵng đang tổ chức thực hiện bốn kết luận của Thanh tra Chính phủ, ba bản án. Qua rà soát riêng Kết luận thanh tra 2852 năm 2012, Đà Nẵng có 1.300 dự án đang chờ được tháo gỡ. Đây là một nguồn lực rất lớn về đất đai.
Đà Nẵng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các dự án có chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển xanh của thành phố |
Ông Quảng cho hay, lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin đang đóng góp 20% vào tăng trưởng GRDP của địa phương. Xuất khẩu phần mềm năm 2023 của Đà Nẵng hơn 200 triệu USD. Nếu đi đúng hướng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có những cơ chế phù hợp thì những lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh hoàn toàn phù hợp với dư địa và mô hình phát triển của Đà Nẵng.
Đối với công tác thực hiện quy hoạch, Đà Nẵng thuê tư vấn Singapore và đơn vị này đã áp dụng các mô hình phát triển với những đặc điểm địa chính trị như của Singapore cho Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn khẳng định, Đà Nẵng có đủ dư địa phát triển đến năm 2045. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển TP. Đà Nẵng xứng tầm với những tiềm năng vốn có, ngoài sự nỗ lực hơn nữa của chính quyền địa phương, Trung ương cần có cơ chế, chính sách mới để tạo sự bứt phá cho Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng cần tiếp tục tạo sự “khác biệt” để phát triển. Cụ thể, quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030 với hàng trăm dự án, số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch 800 ngàn tỷ đồng (32 tỷ đô), bằng 40% GRDP Đà Nẵng. Trong khi thời gian còn lại khoảng 7 năm, do đó, Đà Nẵng cần cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo động lực để có thể thu hút nguồn lực đầu tư lớn như thế. Ông Cung cho rằng, cần có nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Trung ương để Đà Nẵng bứt phá trong thời gian tới. Trong đó, cần mở rộng không gian phát triển, đầu tư nâng cấp sân bay ít nhất 25 triệu hành khách/năm hoàn thành trước năm 2028; đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B, 14G kết nối Đà Nẵng với bắc Tây Nguyên, Lào, Myanma.
Tuy nhiên, để huy động nguồn lực đầu tư, Đà Nẵng cần tăng thêm vốn đầu tư từ nhà nước, đảm bảo phải chiếm từ 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Vậy nên, ông Cung đề xuất không yêu cầu Đà Nẵng điều tiết thu ngân sách về Trung ương đến năm 2030; đồng thời Trung ương cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô.
Ông Cung nhấn mạnh, để thực hiện 3 trụ cột chính phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43 cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín ở trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics…
Cùng với đó, cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch (số lượng, quy mô các cơ sở casino do HĐND thành phố quyết định). Bên cạnh quyết tâm, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cần sớm có một Nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng, góp phần vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đà Nẵng cần các cơ chế chính sách mới, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển trong giai đoạn tiếp theo |
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, du lịch – dịch vụ biển tại Đà Nẵng phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế biển mũi nhọn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Lĩnh vực này góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cả nước, khu vực và quốc tế. Định hướng mục tiêu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào GRDP của Đà Nẵng đạt 15% vào năm 2030 và trên 20% vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi đề xuất các nhóm giải pháp như: thứ nhất là nhóm giải pháp nghiệp vụ mang tính bao trùm; thứ hai là đẩy mạnh liên kết, liên kết từ những vấn đề giao thông, hạ tầng số; thứ ba là triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách để làm sao thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, trong đó có nước biển dâng.
Đà Nẵng cần huy động nguồn lực để mở rộng và hiện đại hóa cảng Đà Nẵng, đây là tiềm năng rất lớn. Cảng Đà Nẵng muốn phát triển được thì phải liên kết thành cụm cảng. Tiếp theo là chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng tăng cường đánh bắt xa bờ, thậm chí ngay cả viễn dương, nhất là trong lúc Việt Nam vừa rồi ký hiệp định về biển cả thì cơ hội để phát triển viễn dương rất tốt
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức mới đây, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ngoài các định hướng được đưa ra của Nghị quyết 43-NQ/TW thì địa phương cần tập trung vào các giải pháp mới, chất lượng, đột phá gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; Đặc biệt, cần nghiên cứu để ban hành các cơ chế chính sách mới, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các hệ sinh thái và chuỗi cung ứng, thu hút người tài đến làm việc tại Đà Nẵng…