Cứ mỗi lần nghĩ về Đà Lạt, người ta thường nghĩ đến thiên đường nghỉ dưỡng. Cái bóng của ngành du lịch quá lớn, che phủ biệt danh “Thủ phủ nông sản” vốn có của Lâm Đồng.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, cả giống cây bản địa và giống ngoại lai đều được ươm trồng thành công ở mảnh đất cao nguyên này.
Từ trên những con đường đồi thoai thoải, phóng mắt ra xa trung tâm là ánh đèn rọi lên trong những vườn rau nhà kính – cứ âm thầm ngày đêm mang đến khắp mọi miền Tổ quốc những hương vị ngọt ngào và sự tinh sạch từ thiên nhiên.
Thành phố Đà Lạt còn mang một biệt danh là “Thành phố ngàn hoa”. Ở đâu trong thành phố, người ta cũng thấy bóng dáng của hoa thơm cỏ lạ. Mỗi mùa lại có loài hoa riêng, quyến rũ theo một cách đặc biệt.
Hoa không chỉ có bốn mùa, hoa còn có ở khắp nơi. Từ những ban công nhỏ xinh đến những cánh đồng hoa bạt ngàn.
Không ỉ lại vào “thiên thời, địa lợi”, yếu tố “nhân hòa” chính là việc tận dụng khoa học công nghệ để xây những trang trại nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với mô hình phát triển du lịch canh nông (tham quan – trải nghiệm quá trình làm nông).
Du khách vì thế không bao giờ cảm thấy chán khi đến Đà Lạt bởi có quá nhiều thứ để thưởng ngoạn. Có nhiều thứ mới mẻ về nông nghiệp để học và có rất nhiều hương vị để thưởng thức.
Đó không đơn thuần là độ cao thuận lợi trên 1.500m trên mực nước biển của Đà Lạt, hay lớp sương mù huyền ảo khiến cho giống cafe ở đây trở nên đặc biệt. Việc trồng và thưởng thức cafe ở Đà Lạt còn mang nhiều ý nghĩa hơn việc thiên nhiên ưu đãi.
Đó là sản phẩm và lối sống kết tinh từ lịch sử và văn hóa của mảnh đất này. Ngược dòng thời gian, người Pháp mang đến Đà Lạt văn hóa cafe và những giống café Arabica cổ (café Bourbon, Moka, Typica) tạo nên thương hiệu cafe “Arabica du Tonkin” dành riêng cho giới thượng lưu ở châu Âu.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)