Thời gian qua, huyện Đạ Huoai luôn chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Từ đó, đã giải quyết được một phần nhu cầu việc làm của lao động nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường giúp đồng bào DTTS có việc làm ổn định, thu nhập thường xuyên |
ÐÀO TẠO NHỮNG “NÔNG DÂN TỬ TẾ”
Theo mục tiêu của Huyện ủy Đạ Huoai trong thực hiện Nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021 – 2025” và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND huyện Đạ Huoai khoá XI, kỳ họp thứ 8 về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 thì đối với cây sầu riêng, đến năm 2025 phấn đấu 1.500 ha cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; giữ vững cơ cấu là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích đạt từ 4.400 ha – 4.500 ha; 2.200 ha sầu riêng áp dụng công nghệ cao, quy trình thâm canh cho năng suất, chất lượng cao. Cây điều với diện tích khoảng 6.247 ha cũng được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Đạ Huoai.
Với khả năng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong nước thì việc đào tạo, dạy nghề để trở thành những nông dân tử tế đang được huyện Đạ Huoai quan tâm.
Huyện Đạ Huoai đã ban hành các tiêu chí để trở thành những “nông dân tử tế” với các nội dung: Sản xuất và bán sản phẩm nông nghiệp ra thị trường phải đảm bảo có giá trị sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện sâu, bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi có khả năng lây lan thành dịch thì báo ngay cơ quan chức năng và những nông hộ sản xuất cùng ngành liền kề để triển khai phòng, chống dịch; khi biết được biện pháp phòng ngừa, chữa trị được bệnh dịch thì sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nông hộ khác. Không vứt xả rác bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, nước súc rửa dụng cụ có chứa thuốc bảo vệ thực vật, vật nuôi chết xuống hồ nước, sông, suối, hoặc nơi gây ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Có tinh thần gắn kết với các nông hộ sản xuất liền kề cùng nhau bảo vệ tài sản công cụ lao động, hoa màu; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các nông hộ khác.
Năm 2022, Đạ Huoai đã mở 6 lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây sầu riêng, cây điều với 180 học viên. Ngoài những kỹ năng cần thiết trong trồng trọt và chế biến, bảo quản sản phẩm, các học viên còn được lồng ghép, giảng dạy các nội dung để trở thành những “nông dân tử tế”, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, huyện Đạ Huoai tiếp tục mở nhiều lớp chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân trên địa bàn.
Ông Phạm Quang Chiến – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đạ Huoai cho biết, Đạ Huoai là thủ phủ sầu riêng, nông dân đã canh tác cây trồng này khá lâu, vì vậy công tác đào tạo nghề chăm sóc cây sầu riêng và các cây trồng khác luôn được chú trọng và thường xuyên thực hiện. Qua đào tạo, nông dân sẽ nắm vững được nhiều kỹ năng, có kỹ thuật canh tác cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác, giải quyết một phần nhu cầu lao động và việc làm tại địa phương.
GẮN VỚI NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Ông Nguyễn Ngọc Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Đạ Huoai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về công tác dạy nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là các lớp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Trung tâm đã thường xuyên mở các lớp như: trang điểm, chăm sóc sắc đẹp; sửa chữa máy móc, nông cụ; lắp đặt điện nước; đan lát thủ công…
Năm học 2021 – 2022, Trung tâm đào tạo nghề cho 411 lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp 5 lớp với 128 học viên. Chủ yếu đối tượng dạy nghề ở các xã có đồng bào DTTS sinh sống của huyện như: Đoàn Kết, Phước Lộc, Đạ Ploa, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri. Năm học 2022 – 2023 Trung tâm tiếp tục đào tạo 6 lớp cho 199 học viên các nghề phi nông nghiệp.
Nhờ thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp mà lao động ở các xã, thị trấn của huyện đã có công ăn việc làm ổn định, một số có thu nhập cao từ ngành nghề đã học. Qua đó, giải quyết nhu cầu việc làm ở địa phương; tận dụng được thời gian nông nhàn.
Với một nền nông nghiệp phát triển, nông dân có thu nhập tiền tỷ từ sầu riêng thì việc đầu tư mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp ở huyện Đạ Huoai cũng rất được chú trọng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều lớp học sơ cấp sửa chữa nông cơ, nông cụ đã được địa phương thường xuyên khai giảng.
Đào tạo những nông dân tử tế, dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường chính là điểm nổi bật của huyện Đạ Huoai trong thời gian qua. Nhờ vậy, tình hình lao động việc làm ở địa phương được cải thiện, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững khi người dân tích cực lao động sản xuất, thanh niên trong huyện có công ăn việc làm ổn định, có ngành nghề.