Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí 2016 bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động.
Ngày 10-6, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Trường đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi – Luật Báo chí 2016 – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ sau hơn sáu năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí.
Vì vậy, hội thảo nhằm đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua một cách tổng thể và khoa học.
Trình bày tham luận, tiến sĩ Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và tuyên truyền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – cho rằng Luật Báo chí hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với tình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay.
Chẳng hạn như phóng viên chưa có thẻ nhà báo, hoạt động tác nghiệp như những nhà báo bình thường thì có phải là nhà báo không? Từ đó có nên phân cấp “thẻ nhà báo” và “thẻ phóng viên” hay không. Luật Báo chí cũng cần có nội dung để điều chỉnh vấn đề này.
Cũng theo ông Kiền, trong bối cảnh truyền thông số, mạng xã hội, các dạng truyền thông khác phát triển phức tạp, Luật Báo chí hiện nay quy định về quyền thông tin cá nhân còn quá đơn giản.
Bên cạnh đó, thông tin của người phạm tội trên báo chí Việt Nam hiện nay “cực kỳ phức tạp”. Các thông tin của người phạm tội không liên quan đến hành vi phạm tội như gia đình, người thân… của họ đang được khai thác sâu, cực kỳ chi tiết.
Ông Kiền cho rằng thông tin của người phạm tội cần phải đưa, nhưng đưa ở mức độ nào cho phù hợp. Những vấn đề này cần có quy định rõ ràng hơn trong Luật Báo chí.
Ngoài ra, ông Kiền cho hay hiện nay khi xử lý về vi phạm đối với báo chí đăng phát thông tin sai thì báo điện tử ngoài đăng lời xin lỗi còn phải gỡ bỏ thông tin sai, nhưng nếu đăng trên báo in thì mới chỉ có đăng cải chính thông tin.
Từ đó đặt ra vấn đề trên báo điện tử thì có thể xóa được, còn báo in có thu hồi không?
“Trong Luật Xuất bản, sách phát hành ra nếu không hợp lệ thì thu hồi, còn với báo in thì sao? Mặc dù “đời sống” của một tờ báo in ngắn ngủi hơn so với cuốn sách nhưng giá trị lưu trữ của nó rất cao. Nếu những tờ báo in sai sót mà không thu hồi thì sẽ tồn tại mãi. Việc này Luật Báo chí cũng chưa đề cập”, ông Kiền nói.
Cuối phần trình bày, ông Kiền nhấn mạnh đã đến lúc cần điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí 2016 để phù hợp với thực tiễn.
Góp thêm ý kiến, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích – trưởng bộ môn Luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội – lấy ví dụ về vụ việc vừa qua một phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội khi tác nghiệp tại quận Đống Đa (Hà Nội), ngay giữa thủ đô nhưng đã bị hành hung.
Ngay sau đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa bàn đã can thiệp và thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà báo. Từ đó cho thấy nếu không có các cơ quan có thẩm quyền thì việc bảo vệ nhà báo đã không hữu ích.
(Theo TTO)