Tuy không gay gắt như mùa khô của năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020 nhưng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn (hạn mặn) ở Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) năm nay đã có những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh.
Nhờ các công trình cống, đập ngăn mặn được vận hành hiệu quả và ý thức của người dân trong phòng tránh cũng được nâng cao nên hạn mặn chưa gây thiệt hại nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận người dân sinh sống tại các khu vực ven biển đang chịu cảnh thiếu hụt nước sinh hoạt. Tình trạng này sẽ trầm trong hơn nếu hạn mặn còn tiếp tục kéo dài.
Người dân ven biển Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) nhận hỗ trợ nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. |
Tại khu vực ven biển các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, nhiều hoạt động hỗ trợ nước ngọt cho người dân đã diễn ra. Hoạt động này do chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội và những doanh nghiệp, cá nhân (nhà hảo tâm) thực hiện.
Nhìn vào đặc điểm thời tiết và chế độ thủy văn của vùng đất, có thể hình dung “cơ chế” đưa đến hạn mặn thế này: Vào mùa nắng (mùa khô, từ tháng 11 của năm trước kéo dài qua đến tháng 4 của năm tiếp theo), nguồn nước từ sông Mê Kông đổ về miền Tây Nam Bộ (qua sông Cửu Long) giảm sút, dòng chảy yếu nên không đủ sức đẩy lùi nước biển dâng theo các cửa sông lớn.
Nguồn nước bên ngoài lãnh thổ này chiếm đến 95% tổng lượng nước sông Cửu Long, 5% còn lại là nguồn nội sinh tại chỗ. Năm nào nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít, nắng nóng kéo dài thì nước biển càng lấn sâu vào đất liền. Theo ước tính của ngành chức năng, mùa khô 2023 – 2024, lượng nước đổ về miền Tây Nam Bộ thiếu hụt khoảng 10 – 15%, nhiệt độ cũng cao hơn từ 0,5 – 1,5°C so với trung bình nhiều năm.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nước ngọt cho người dân khu vực ven biển các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau. |
Từ giữa tháng 4/2024, mùa khô ở miền Tây Nam Bộ được cho là đã bước vào cao điểm. Nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức 34 – 37°C, phạm vi xâm nhập mặn ngày càng đáng lo ngại. Trên những nhánh sông lớn của dòng Cửu Long như: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cổ Chiên, Hàm Luông, sông Hậu, nước biển đã vào sâu có nơi hơn 60km tính từ cửa sông.
Những người gắn bó với miền đất Tây Nam Bộ đều biết rằng hạn mặn vốn có lịch sử lâu đời chứ không phải vấn đề gì mới mẻ. Năm nào cũng vậy, ít hoặc nhiều, nhẹ nhàng hay gay gắt, cứ đến kỳ là “nó” lại xuất hiện. Có năm hạn mặn đến rồi đi âm thầm không ai chú ý, rất bình thường.
Vì xem hạn mặn là chuyện bình thường nên không ít người còn có tâm lý chủ quan, ỷ lại. Phần lớn những người bị thiếu hụt nước sinh hoạt đều có nhà ở phân tán, xa các khu dân cư và ít quan tâm tích trữ nước mưa. Trong khi đó các cây nước (giếng khoan) tại nhà không sử dụng được nữa vì bị nhiễm mặn.
Cách nay hơn 20 năm, hầu như gia đình nào ở nông thôn miền Tây Nam Bộ cũng đều có những chiếc lu chứa nước mưa để dùng trong mùa nắng hạn. Nhà càng đông người thì lu trữ nước càng nhiều, những người có điều kiện còn xây hẳn bồn chứa bằng xi măng, dùng qua mùa khô cũng không hết nước.
Rồi phong trào làm cây nước phát triển rầm rộ, hầu như nhà nào cũng “đóng” một cây nước. Thói quen tích trữ nước mưa không còn, không phải nước mưa bớt “ngon” mà là có cây nước với nguồn nước ngầm tưởng chừng như vô tận vẫn tiện dụng hơn.
Theo ước tính của ngành chức năng, mùa khô 2023 – 2024, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về miền Tây Nam Bộ thiếu hụt khoảng 10 – 15% so với trung bình nhiều năm. |
Hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ được dự báo sẽ còn gay gắt, khó lường trong những năm tiếp theo, nguyên nhân trong đó có phần do tác động của các công trình thủy điện, hồ chứa nước và các công trình liên quan đến nguồn nước sông Mê Kông trên phía thượng nguồn.
Trong khi chờ những giải pháp chiến lược được triển khai, đã đến lúc người dân khu vực ven biển miền Tây Nam Bộ cần chủ động ứng phó với tình trạng thiếu hụt cục bộ nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Về cách làm, đơn giản và dễ thực hiện nhất là hãy quan tâm tích trữ nước mưa như tập quán trước đây thôi.