VI PHẠM NGÀY CÀNG PHỨC TẠP, TINH VI
Tại hội thảo, TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng công bố khoa học bị lũng đoạn bởi một số tổ chức, cá nhân, khiến cho khoa học mất đi vẻ đẹp ban đầu là sáng tạo tri thức mới, khám phá quy luật trong tự nhiên đóng góp phụng sự xã hội, mà trở thành hoạt động chạy đua số lượng và trắc lượng. Ban đầu, số lượng công bố còn ít nên việc đánh giá có thể thực hiện trực tiếp với từng công trình. Về sau số lượng công trình nhiều lên nên việc đánh giá phải dựa vào các chỉ số trung gian như số trích dẫn, chỉ số H, xếp hạng…
Việc đánh giá dựa vào các chỉ số này dễ bị thao túng để trục lợi. Từ việc là công cụ để đánh giá nghiên cứu đã biến thành mục đích khi chạy theo số bài báo, chạy theo chỉ số trích dẫn, chỉ số H… “Từ thuở sơ khai, khoa học dựa trên hai nền tảng cơ bản sự trung thực, niềm tin của những người tiếp nhận kết quả đó. Nhưng đây là hai nền tảng mỏng manh nên dễ bị lạm dụng, dễ bị thao túng. Thành thử những người không trung thực lắm lợi dụng niềm tin cộng đồng khoa học dành cho họ, đã bịa đặt hoặc làm những việc không hay”, TS Dương Tú lo ngại.
TS Dương Tú cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân về thực trạng việc vi phạm liêm chính khoa học (LCKH) ngày càng phức tạp, tinh vi. Đạo văn, bịa số liệu… là những hình thức vi phạm “cổ điển”. Với sự phát triển của công nghệ, các hình thức gian lận mới được sinh sôi như gian lận trích dẫn, hoặc lập những mạng lưới, tạo hệ thống cấu kết với nhau. “Họ thích đăng cái gì cũng được hết. Tôi gọi đó là mạng lưới mafia. Nếu mình không ý thức được sự tồn tại của những mạng lưới như vậy, không ý thức được sự tồn tại của những gian lận, lừa đảo tinh vi như vậy thì mình sẽ không chống được nó, không cải thiện được”, TS Dương Tú cảnh báo.
Theo TS Dương Tú, tác hại của những vi phạm LCKH là không chỉ làm lãng phí tiền thuế của dân, của nhà nước (thông qua tiền tài trợ cho nghiên cứu), mà còn rất tai hại tới đời sống dân sinh nếu các kết quả nghiên cứu được gian lận ấy được làm căn cứ để xây dựng chính sách. Quan trọng nữa là nó ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng vào nhà khoa học. Đây là vấn đề của thế giới chứ không chỉ của riêng VN. Càng ngày càng khiến người dân ít tin vào khoa học hơn, người ta tin vào giả khoa học, vào các thuyết âm mưu và những cái không lành mạnh.
ĐỪNG ĐỂ NHÀ KHOA HỌC ĐÁNH ĐỔI SỰ TRUNG THỰC VÌ CƠM ÁO
Theo TS Dương Tú, để nhà khoa học hạnh phúc vì nghiên cứu của mình phục vụ khoa học, phục vụ cộng đồng, được nhân dân tin tưởng, được nhà nước và cộng đồng tiếp tục tài trợ thì đánh giá khoa học phải chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Cần phải có chính sách đánh giá để nhà khoa học thay vì chạy theo số lượng bài báo, chỉ số trích dẫn, chỉ số H, chạy theo xếp hạng… thì quay về với bản chất khoa học. Cần phải làm sao có chính sách để đảm bảo nhà khoa học sống được, để người ta yên tâm, không phải đánh đổi sự trung thực, sự liêm chính của mình để lấy miếng cơm manh áo nhằm duy trì cuộc sống hằng ngày.
GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN, cũng cho rằng để giải quyết vấn đề LCKH thì không thể chỉ nói chuyện đạo đức với nhau được mà phải nói bằng luật pháp, và sâu sắc hơn cả vấn đề luật pháp là vấn đề của thể chế và cơ chế. “Tôi muốn nhấn mạnh vào cơ chế. Các hiện tượng vi phạm LCKH là do cơ chế tạo ra. Không phải các nhà khoa học tự nhiên đổ đốn. Cơ chế tạo ra như thế. Cách đây mấy chục năm làm gì có những chuyện vi phạm LCKH như ta đang thấy xảy ra! Vấn đề chính là làm sao đổi mới cơ chế!”, GS Phùng Hồ Hải nói.
Ông Hải phân tích thêm: “Tại sao nhà khoa học lại vi phạm liêm chính. Hoàn cảnh tạo ra, thì bây giờ phải thay đổi hoàn cảnh. Như chống tham nhũng, đầu tiên phải là không cần, không muốn, không dám, không thể tham nhũng. Giờ với khoa học cũng thế, phải tạo cơ chế để làm sao nhà khoa học không cần, không muốn, không dám, không thể gian dối. Mà cái gốc là không cần. Nghĩa là nhà khoa học phải đủ ăn đã”.
CẦN PHẢI CÓ SỰ THAY ĐỔI TRONG ĐÁNH GIÁ NHÀ KHOA HỌC
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, 10 năm trở lại đây, một trong các kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ. Cùng với sự gia tăng này, bên cạnh những đóng góp tích cực thì thực tế đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết, trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học, là lý do để hai bộ tổ chức hội thảo.
Mong muốn của ban tổ chức hội thảo là qua các ý kiến của các nhà khoa học để nhận diện được các khó khăn, hạn chế còn tồn tại, và các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm tăng cường tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói chung và công bố khoa học nói riêng, qua đó nâng cao chất lượng thực chất của hoạt động khoa học và công nghệ, GD-ĐT.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái, LCKH bắt đầu trở thành mối quan tâm của xã hội. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm, phải cùng nhau lắng nghe ý kiến của cộng đồng khoa học và của dư luận xã hội để có cách hành xử hợp lý. Liêm chính là khái niệm “mở”, nên phải có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện. Hai bộ cùng nghiên cứu để thống nhất các quan điểm với các vấn đề cụ thể.
Các cơ quan tham mưu của hai bộ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thể thức văn bản, hướng dẫn để các trường ĐH, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực hiện. “Đã đến lúc đôn đốc việc kiểm tra thực hiện các quy chế, xây dựng và thực hiện các quy chế về liêm chính nghiên cứu và giảng dạy ở các cơ sở nghiên cứu và đào tạo”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng cho rằng, cần phải có sự thay đổi trong đánh giá nhà khoa học, trong đó cần có tiêu chí đánh giá về sự đóng góp của các đề tài nghiên cứu cho sự phát triển nền kinh tế xã hội nước nhà, thay vì chỉ chú trọng vào công bố quốc tế. Mặt khác, hình thức tài trợ của Quỹ NAFOSTED sẽ cần phải thay đổi để làm sao các lĩnh vực khoa học phát triển đồng đều, tránh việc tiêu cực, cố gắng nâng cao vấn đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Nhà nước không chỉ tài trợ cho các công bố quốc tế mà còn cố gắng tài trợ cho các nhà khoa học VN tham gia nhiều hơn nữa những diễn đàn khoa học các ngành thế giới.
“Hai bộ cùng nhau nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc xử lý vấn đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, từng bước cố gắng tạo ra môi trường khoa học công nghệ, giáo dục giảng dạy lành mạnh”, ông Thái nói.
Vi phạm LCKH vì áp lực công bố quốc tế
Một trong 3 người trình bày báo cáo chính tại hội thảo là PGS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, về một số kết quả ban đầu của nghiên cứu “Về xây dựng liêm chính học thuật qua một số khảo sát ở cơ sở giáo dục ĐH” mà nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện.
Theo PGS Trương Việt Anh, kết quả phân tích khảo sát ban đầu cho thấy, những người tham gia khảo sát nhận định hành vi vi phạm liêm chính học thuật phổ biến nhất hiện nay là đưa tên những người không tham gia vào làm tác giả hoặc đồng tác giả công trình nghiên cứu khoa học.
Những hành vi vi phạm có mức độ phổ biến tiếp theo gồm đạo văn/tự đạo văn; làm hộ/làm thuê các công trình khoa học; sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm nghiên cứu; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu.
Nguyên nhân vi phạm chủ yếu được đưa lên hàng đầu là áp lực về số lượng công trình cần được công bố của cá nhân nhà khoa học.