(VLO) Thị trường rằm tháng Giêng năm nay, tại các siêu thị, chợ, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ cúng ổn định, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.
Đa dạng trái cây, hoa tươi, đồ chay phục vụ cúng rằm tháng Giêng. |
Nguồn cung dồi dào, giá ổn định
Tại các chợ và siêu thị, hàng hóa dồi dào, đa dạng với mức giá giảm so với dịp Tết, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, hoa tươi và trái cây. Khu vực bày bán hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, xôi chè luôn thu hút đông đảo người mua. Bên cạnh những loại hoa thường được ưa chuộng để chưng cúng như cúc vàng, lay ơn, đồng tiền, các loại trái cây có mẫu mã đẹp như bưởi da xanh, táo đỏ, xoài, mãng cầu, quýt cũng được tiêu thụ mạnh.
Theo một số tiểu thương, hoa cúc các loại dao động 20.000-40.000 đ/bó; cát tường 80.000 đ/bó; thanh liễu 100.000-120.000 đ/bó; hoa ly kép ở mức 180.000-200.000 đ/bó; riêng hoa đồng tiền đã hạ nhiệt còn 5.000 đ/bông…
Chị Lê Hồng Ngọc- tiểu thương bán hoa tươi tại chợ TP Vĩnh Long (điểm 2- Phường 4), chia sẻ, dù hoa trái phục vụ thờ cúng rằm tháng Giêng đa dạng, giá cả ổn định hơn so với trong Tết, nhưng sức mua không bằng năm trước. Do lo ngại sức tiêu thụ chậm, chị Ngọc chỉ nhập một số loại hoa phổ biến. Theo chị, người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm, nhiều gia đình đã mua hoa từ dịp vía Thần Tài, nên cũng hạn chế mua thêm hoa mới.
Trong khi giá mặt hàng hoa tươi tăng nhẹ, thì giá rau củ, trái cây gần như không tăng, riêng nấm rơm vẫn neo giá 120.000-150.000 đ/kg. Cụ thể, rau cải ngọt 10.000 đ/kg; xà lách 20.000 đ/kg; bông cải trắng 20.000 đ/kg; khổ qua 25.000 đ/kg; su hào 25.000 đ/kg; bí đỏ 25.000 đ/kg; bắp cải Đà Lạt 20.000-30.000 đ/kg; cà rốt Đà Lạt 40.000 đ/kg…
Để đáp ứng nhu cầu cúng rằm, nhiều tiểu thương tại chợ Vĩnh Long cũng nhập đa dạng các loại trái cây với mẫu mã bắt mắt. Người mua đặc biệt chú trọng chọn mua những loại trái tươi, đẹp, còn cuống lá xanh giúp mâm cúng thêm trang trọng với quan niệm “cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Cô Hà Thị Kim Liên, tiểu thương bán trái cây tại chợ Vĩnh Long, cho biết, nguồn cung trái cây dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hàng, thách giá. Người mua thường ưu tiên chọn các loại trái còn xanh để chưng được lâu như: táo, thanh long, bưởi, xoài có giá bán ổn định. Tuy nhiên, dù đã bước vào cao điểm cúng rằm, sức mua vẫn chưa đạt 50% so với cùng kỳ năm trước.
Cô Liên chia sẻ: “Những năm trước, rằm tháng Giêng không chỉ là dịp người dân mua trái cây chưng cúng gia tiên mà còn cúng chùa miếu, cúng xe cộ, đất đai… Khi đó, mỗi khách hàng có thể mua hơn 10kg trái cây, nhưng năm nay số lượng giảm đáng kể, trung bình mỗi người chỉ mua 2-3kg, ưu tiên các loại trái có giá mềm”.
Đa dạng thực phẩm chay
Thị trường rằm tháng Giêng sôi động, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. |
Dịp này, thị trường thực phẩm chay cũng diễn ra sôi động. Hiện, có khá nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chay nên người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Theo chị Tống Thị Nhanh, bán đồ chay gần 20 năm tại chợ Vĩnh Long: “Những món chay được khách hàng ưa chuộng trong dịp rằm tháng Giêng khá đa dạng, từ các món kho đậm đà như tàu hủ ky kho, các loại thịt giả mặn kho, đến những món thanh mát như canh rau củ, canh rong biển. Bên cạnh đó, các món cuốn, bún xào, chả chiên cũng được nhiều người lựa chọn nhờ hương vị thơm ngon, dễ ăn, phù hợp với bữa cơm gia đình”.
Theo chị Nhanh, do nhu cầu thực phẩm chay tăng mạnh vào dịp rằm tháng Giêng, chị không thể tự nấu các món chế biến sẵn mà chủ yếu bán nguyên liệu, đồng thời liên kết với nhiều thợ nấu để làm các món “chay giả mặn” hấp dẫn. Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những túi thực phẩm được đóng gói sẵn, bán đồng giá 10.000 đ/món, tiện lợi và tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn.
Rằm tháng Giêng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp gửi gắm ước nguyện tốt đẹp cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Vì vậy, thị trường hàng hóa trong dịp này cũng diễn ra sôi động. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong khâu chọn mua thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến tại các cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc Công ty TNHH Thuận Duyên Food (xã Tân Phú, huyện Tam Bình), cho biết, xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến, không chỉ trong các ngày rằm mà đã trở thành thói quen thường nhật của nhiều người. Việc ăn chay sau Tết giúp bữa ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa.
Nắm bắt nhu cầu này, từ trước Tết, công ty của chị Linh đã chủ động tăng sản lượng để kịp phục vụ thị trường dịp rằm tháng Giêng. Số lượng đơn hàng năm nay tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào các sản phẩm gia vị dùng trong chế biến món chay, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương.
Chị Trần Phượng (Phường 1, TP Vĩnh Long) chia sẻ, rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm nên gia đình chị rất chú trọng chuẩn bị lễ vật. Ngoài mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, chị còn sắm thêm lễ vật để dâng hương ở chùa. Để tránh cập rập, chị đã mua đồ cúng trước 1-2 ngày, còn các món chay thì đặt làm sẵn để tiết kiệm thời gian.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202502/da-dang-thuc-pham-chay-ram-thang-gieng-2e26eee/
Bình luận (0)