Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người dân đưa các giống mới vào sản xuất nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp.
Các sản phẩm gạo của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) trưng bày tại hội nghị tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Tận dụng lợi thế này, công ty đã đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, khẳng định, được chứng nhận sản phẩm tiêu biểu đã giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với người tiêu dùng. Từ đó, tạo thêm động lực để doanh nghiệp đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Để đa dạng hóa sản phẩm, công ty đang tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm khác liên quan đến các sản phẩm lúa gạo, như lúa ST24, ST25, Séng Cù… Đồng thời, liên kết với người dân trong và ngoài tỉnh phát triển vùng nguyên liệu với diện tích hơn 700 ha lúa thương phẩm. Hiện công ty đang tập trung phát triển 2 giống lúa đặc trưng của huyện Hà Trung đã đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh là nếp hạt cau Tiên Sơn, xã Hà Lĩnh và nếp cái hoa vàng Gia Miêu tiến vua, xã Hà Long.
Năm 2022, UBND tỉnh công nhận 10 sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm nông nghiệp được công nhận, như: sữa gạo lứt của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân); gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung); nước mắm Vị Thanh của HTX Chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn); dứa khoanh của Công ty TNHH Tư Thành (TP Thanh Hóa); gạo tẻ Ngọc Phố của Công ty CP Sao Khuê (Đông Sơn)… Ngoài ra, nhờ sự chủ động của các chủ thể và hỗ trợ tích cực từ các chương trình, dự án, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để có nhiều sản phẩm được công nhận như trên, các ngành có liên quan của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu, nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Mặc dù phong phú về chủng loại nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm được các yêu cầu của thị trường, chủ yếu xuất bán ở dạng sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng cả nước biết đến như một số tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Nhằm đa dạng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng đang ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để mang lại giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hướng đến tiêu chuẩn hữu cơ để nâng dần chất lượng sản phẩm…
Bài và ảnh: Hải Đăng