Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,… với đa dạng các sản phẩm, như gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà,… từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất dưa vàng trong nhà lưới tại xã Định Hòa (Yên Định).
Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long (Hà Trung) đã nhân rộng ra khoảng 200 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất,… Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê tiêu thụ từ 100 đến 150 tấn sản phẩm mỗi năm. Hiện nay, sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Được biết, trước yêu cầu sử dụng sản phẩm gạo sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, các huyện như Nông Cống, Hà Trung, Quảng Xương, Yên Định, Thọ Xuân,… đã đẩy mạnh phát triển mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hình thành vùng trồng lúa hữu cơ, với diện tích hơn 310 ha tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định. Có thể nói, bên cạnh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất. Thông qua mô hình, người dân đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản suất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.700 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, 330 ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ,… Ngoài ra, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng đã quen thuộc với các sản phẩm an toàn từ gia súc, gia cầm,… được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,… đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn, con nuôi đặc sản,… theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thời gian tới, phát huy những tiềm năng, lợi thế, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả,… theo tiêu chuẩn VietGAP; các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường áp dụng khoa học- kỹ thuật, cơ giới hóa, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích. Đối với diện tích sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận, cần tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các bếp ăn tập thể, trường học,… Đồng thời, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc