Ngoài gói tín dụng ưu đãi 8.000 tỷ đồng mới được Agribank bổ sung thêm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản nói riêng và các khách hàng lĩnh vực tam nông nói chung có thể tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác với tổng hạn mức hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Hệ thống Agribank thống nhất áp dụng lãi suất cho vay bình quân các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là 4%/năm, lãi suất cho vay thông thường tối thiểu là 5%/năm (ngắn hạn) và 6% (trung dài hạn). Với mức bình quân lãi suất cho vay ở mức thấp như kể trên, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng này đang triển khai được các chi nhánh tại khu vực các tỉnh, thành phía Nam đánh giá rằng ngân hàng có nhiều thuận lợi để mở rộng cho vay và giải ngân hỗ trợ khách hàng.
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay lãi suất thấp |
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Hoàng Lê Duy, Phó giám đốc chi nhánh Agribank cho rằng, hiện nay hầu như các lĩnh vực cho vay của Agribank đều áp dụng các chương trình giảm lãi suất vì thế khách hàng có khá nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, ở lĩnh vực nông sản, thủy sản, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (Công văn 1813/NHNN-TD) thì có thể tiếp cận gói vay 8.000 tỷ đồng được Agibank triển khai đến hết tháng 6/2024. Nếu khách hàng không đủ điều kiện hoặc không thuộc đối tượng ưu đãi của gói này, có thể tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP (về ưu đãi tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn); hoặc vay theo gói 15.000 tỷ đồng (tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh); gói 10.000 tỷ đồng dành cho DNNVV phục vụ sản xuất kinh doanh. “Tất cả các gói vay này đều đang được ngân hàng giảm từ 1-2% lãi suất đến hết 2024. Vì thế, có thể nói khách hàng có nhu cầu vay đều có thể được xem xét hỗ trợ giảm lãi”, ông Duy nói.
Thực tế, ở hầu hết các chi nhánh Agribank khu vực phía Nam, thời gian qua bên cạnh chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản thì đa số các chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng khác đều nhắm đến khối doanh nghiệp tam nông với dư nợ tăng trưởng mạnh ở các ngành chủ đạo như thủy sản, lúa gạo, cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi.
Thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ của các TCTD tại địa phương này đạt khoảng hơn 88.700 tỷ đồng thì trong đó, dư nợ cho vay ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt gần 50 tỷ đồng, chiếm 56,6%. Mặc dù không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi 1-2% lãi suất đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn được các ngân hàng cho vay ưu đãi khoảng 18.500 tỷ đồng theo chương trình cho vay các nhóm lĩnh vực ưu tiên với lãi suất từ 4-5%/năm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, chế biến thanh long xuất khẩu cũng tiếp cận được khoảng gần 7.000 tỷ đồng vốn vay có hỗ trợ 1-2% lãi suất (cho vay ưu đãi các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương).
Tương tự, tại Đồng Tháp, An Giang đại diện chi nhánh NHNN tại các địa phương cho biết, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung, sản xuất chế biến, xuất khẩu thủy sản, lúa gạo nói riêng đang được khá nhiều NHTM ưu đãi về lãi suất khi vay vốn. Tăng trưởng dư nợ ở các lĩnh vực này tại nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong khi lãi suất cho vay đa số được ưu đãi giảm 1-1,5% so với cho vay thông thường.
Đơn cử tại Đồng Tháp, theo thống kê đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ của các TCTD đạt khoảng 106.931 tỷ đồng. Trong số này các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản chiếm khoảng gần 13.200 tỷ đồng và các doanh nghiệp ngành lúa gạo cũng có dư nợ khoảng hơn 14.050 tỷ đồng. Tại An Giang, cũng đến cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 114.150 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản các doanh nghiệp, hộ nuôi đã tiếp cận khoảng 14.860 tỷ đồng vốn vay. Các doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo cũng đã được giải ngân cho vay khoảng 16.730 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay đều được hệ thống ngân hàng áp dụng cho vay theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất giảm 1-1,5% so với các khoản vay thông thường.
Theo nhận định của một số lãnh đạo chi nhánh NHNN và NHTM tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay các kỳ hạn nói chung đang ở mức thấp. Riêng đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản, từ nhiều năm qua Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo hệ thống NHTM triển khai hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi, bao gồm cả các chương trình tín dụng ưu tiên xuyên suốt và các chương trình tín dụng theo gói có hỗ trợ lãi suất để “gỡ khó” cho doanh nghiệp trong các thời điểm, bối cảnh nhất định.
Vì thế có thể nói, mức lãi suất cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn hiện nay là thấp nhất và khách hàng có nhiều lựa chọn nhất trong việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi. Tuy nhiên, để vừa đảm bảo triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng, vừa quản lý tốt hoạt động cho vay, thu nợ, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh đối với các gói tín dụng ưu đãi (như đã từng xảy ra đối với chương trình cho vay tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP), các NHTM cần rà soát kỹ hồ sơ, nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không vì lãi suất cho vay thấp và khuyến khích khách vay quá nhiều dẫn đến rủi ro về tín dụng thời gian tới.