Loại hình du lịch này được xác định là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia trên thế giới, và đang là thị trường “ngách” giàu tiềm năng được nhiều địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác.
Du lịch thể thao có thể hiểu là loại hình du lịch mà ở đó du khách tới điểm đến với mục đích chính để tham gia hoặc theo dõi các hoạt động liên quan đến thể thao. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, với giá trị ước tính khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu.
Đáng chú ý, tại một số nước, du lịch thể thao đóng góp tới gần 30% tổng thu ngành du lịch. Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sự kiện thể thao đã được không ít quốc gia khai thác thành sản phẩm chủ đạo để hút khách.
Đơn cử, tháng 8/2023, sự kiện World Cup bóng đá nữ do Australia và New Zealand đồng đăng cai đã mang lại doanh thu hơn 570 triệu USD. Hay tại Singapore, sau hai năm tạm dừng, sự trở lại của Giải đua Công thức 1 (F1) vào tháng 9/2022 đã khẳng định được sức nóng khi bán hết sạch vé ngay từ giữa tháng 4 chỉ sau 6 giờ, dù giá vé lên tới 10.000 đô-la Singapore. Trong dịp diễn ra Olympic Paris 2024 sắp tới, Pháp cũng dự kiến đón tới 15 triệu lượt khách…
Thực tế cho thấy, một hoạt động thể thao bao giờ cũng quy tụ vận động viên, huấn luyện viên, bộ phận hậu cần, nhất là người hâm mộ. Ngày càng nhiều đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu ở các giải quốc tế, kéo theo sự di chuyển của đông đảo người hâm mộ trong, ngoài nước.
Vì thế, phát triển du lịch thể thao không những thu hút được lượng lớn du khách có khả năng chi tiêu cao, sử dụng nhiều dịch vụ, đóng góp đáng kể vào doanh thu địa phương, mà còn giúp khắc phục tính mùa vụ của du lịch. Bên cạnh đó, du lịch thể thao cũng là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu, thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Sở hữu địa hình đa dạng với hệ thống đồi núi, sông ngòi dày đặc, hùng vĩ, những bãi biển dài và đẹp, cùng nền văn hóa giàu bản sắc, Việt Nam hội tụ nhiều thế mạnh về du lịch thể thao. Những năm gần đây, loại hình này ở nước ta dần được chú trọng khai thác. Số lượng câu lạc bộ, giải thể thao xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người yêu thể thao trong nước, quốc tế.
Tiêu biểu phải kể tới các giải: VnExpress Amazing Marathon; Hạ Long Heritage Marathon; Đà Lạt Ultra Trail; Marathon quốc tế Hội An; Giải đua xe mô-tô, ô-tô địa hình ở Hà Giang; Biểu diễn dù lượn “Bay trên mùa vàng”, Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, Giải đua xe đạp Một đường đua hai quốc gia tại Lào Cai… Các hoạt động thể thao này đã tạo ra “chất xúc tác” đặc biệt giúp tăng cường nhận diện hình ảnh và năng lực cạnh tranh của du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours – đơn vị từng tổ chức thành công nhiều tour du lịch thể thao đưa du khách đi xem các giải bóng đá lớn như SEA Games, AFC Cup…, cho biết: Hiện nay, các công ty lữ hành khai thác ba hình thức tour du lịch thể thao phổ biến, đó là: Tour tổ chức cho du khách đi cổ vũ, xem những giải thể thao như bóng đá, quần vợt…; tour tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thể thao như golf, marathon, trekking…; và tour tổ chức các hoạt động thể thao nội bộ cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Hoan cho hay, du lịch thể thao là dòng tour chuyên đề cho nên đòi hỏi đơn vị tổ chức tour phải có chuyên môn. Bên cạnh yếu tố chuyên môn về lữ hành, còn cần có kiến thức nhất định về thể thao và các giải đấu cụ thể… Hơn nữa, các giải thể thao thường là sự kiện đông người cho nên công ty du lịch phải có kinh nghiệm từ tính toán lịch trình di chuyển cho tới công tác điều hành và tổ chức dẫn đoàn tham gia các sự kiện.
Đơn vị tổ chức cần phải hội tụ các yếu tố kiến thức-kinh nghiệm-trải nghiệm, và không phải đơn vị nào cũng có thể tổ chức được sản phẩm đặc biệt này.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư địa phát triển du lịch thể thao ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo các chuyên gia, để biến du lịch thể thao trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, điều quan trọng là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ đáp ứng đòi hỏi của nhiều hình thức du lịch thể thao.
Đồng thời, cũng cần có chiến lược quảng bá sớm, bài bản cũng như sự năng động để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, khách du lịch nói chung và khách du lịch thể thao nói riêng đều đề cao những trải nghiệm khác biệt khi tham gia hành trình. Vì thế, Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bên cạnh cung cấp những dịch vụ chất lượng, bảo đảm an toàn, sản phẩm du lịch thể thao còn cần mang đến những cảm nhận mới mẻ cho du khách.
Là đơn vị từng nhiều năm khai thác các tour du lịch đạp xe kết nối các điểm đến trong nội thành Thủ đô, kết nối nội thành với ngoại thành Hà Nội, đến với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…, Vietfoot Travel đã luôn nỗ lực làm mới hành trình tour bằng cách đa dạng hóa các cung đường trải nghiệm, kết hợp du lịch đạp xe với du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, hay kết hợp với photo tour để giúp du khách lưu lại cảm xúc, dấu ấn cá nhân trong hành trình du lịch.
Hướng đến phục vụ số lượng khách lớn, du lịch thể thao cần sự bắt tay chặt chẽ giữa nhiều ngành liên quan, nhất là giữa ngành du lịch với ngành thể thao, giữa cơ quan quản lý du lịch điểm đến với ban tổ chức sự kiện thể thao, giữa đơn vị điều hành tour với đơn vị tổ chức sự kiện…, từ đó tạo chuỗi liên kết dịch vụ chất lượng, bài bản, tạo ấn tượng tốt cho du khách trong nước, quốc tế khi trải nghiệm sản phẩm du lịch thể thao tại Việt Nam.