Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 đầu năm 2024” tổ chức ngày 3/11, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) – cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may khó khăn như hiện nay.
Theo bà Mai, liên tục nhiều năm, ngành dệt may có mức tăng trưởng khả quan (trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19) và năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỉ USD, thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam. Kết quả này giúp Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, ngành hàng này bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi các thị trường quốc tế giảm nhu cầu mua sắm với mặt hàng may mặc, giá thành nguyên liệu cùng chi phí sản xuất tăng cao.
Cùng với đó, xu thế phát triển bền vững cùng những cam kết về môi trường, lao động khắc nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn trong khi giá trị đơn hàng không tăng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa mặt hàng để nối lại đơn hàng |
Ngoài ra, trong năm 2023 ngành dệt may còn phải đối mặt với nhiều yêu cầu mới từ các thị trường xuất khẩu. Điển hình như luật về chống lao động cưỡng bức của Mỹ, luật tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng của Đức với những quy định rất chặt chẽ về sử dụng lao động trong sản xuất…
“Trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã khiến giá thành sản xuất tăng mạnh. Chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”, bà Mai đánh giá.
Cũng theo bà Mai, đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may đã có những tín hiệu sáng khi tình hình sản xuất kinh doanh đang ấm dần lên. Theo đó, nếu 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu toàn ngành đạt 22,6 tỉ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2022, thì đến hết 10 tháng, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 33 tỉ USD, giảm khoảng 12,45% so với cùng kỳ 2022. Mặc dù vậy, ngành dệt may vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, Vitas đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo để khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do.
Về giải pháp vượt khó, đại diện Vitas cho rằng, doanh nghiệp nên đa dạng hóa mặt hàng. Theo đó, trong giai đoạn qua, một số doanh nghiệp đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ, giá không cao để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động.
Song song đó, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mặc dù hiện nay, ngành dệt may có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong chuyển đổi số song đây là việc buộc phải làm. Do vậy, doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế 3D, chủ động chọn vải để bán với giá cao hơn hoặc quản trị số giúp giảm rủi ro, gia tăng hiệu quả hoạt động.