Các tập đoàn đa ngành tại Đông Nam Á đang giảm dần vị thế trong thập kỷ vừa qua, theo báo cáo “Con đường thành công cho các tập đoàn Đông Nam Á” vừa được EY-Parthenon công bố gần đây sau khi nghiên cứu 262 tập đoàn niêm yết công khai trên toàn cầu, bao gồm 36 tập đoàn ở Đông Nam Á.
Cụ thể, các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á đã từng vượt trội hơn rất nhiều so với các tập đoàn đa ngành trên thế giới với tổng lợi nhuận cổ đông (TSR) đạt 34%, cao hơn tới 20% so với các đối tác toàn cầu trong giai đoạn 2002-2011.
Tuy nhiên, chỉ số TSR của các tập đoàn đa ngành tại khu vực này đã giảm xuống còn 14% trong thập kỷ vừa qua, và hiện chỉ cao hơn 3% so với các tập đoàn đa ngành toàn cầu.
“Khoảng cách về TSR là một chỉ báo rõ ràng về hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn. Theo một nghiên cứu sâu hơn về các tập đoàn này, một số tập đoàn đa ngành có thể liên tục vượt trội so với các tập đoàn khác. Do đó, các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều cơ hội để hiểu rõ những ưu điểm, từ đó nâng cao hiệu suất của họ”, ông Sriram Changali, Lãnh đạo Dịch vụ Tạo giá trị cho Khách hàng của EY ASEAN khẳng định.
Danh mục đầu tư trì trệ
Theo báo cáo của EY-Parthenon, tỉ suất lợi nhuận cao của các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á có được là nhờ những lợi thế vốn có của khu vực trong giai đoạn đầu những năm 2000, khi họ có năng tiếp cận vốn dễ dàng, quan hệ gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, và khả năng tiếp cận các lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ như bất động sản, thương mại hàng hóa và các ngành công nghiệp như năng lượng.
Tuy nhiên, nhưng những lĩnh vực này đã chứng kiến lợi nhuận giảm dần trong thời gian qua. Thêm vào đó, các tập đoàn này cũng không mở rộng trọng tâm đầu tư sang các lĩnh vực khác, dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm sút.
Theo báo cáo này, các tập đoàn Đông Nam Á không mấy hào hứng với các lĩnh vực mới nổi như chăm sóc sức khỏe hoặc công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT), những lĩnh vực tạo ra lợi nhuận rất cao trong thập kỷ qua.
“Các tập đoàn Đông Nam Á vẫn khá “trung thành” với các lĩnh vực mà họ đã quen thuộc. Do đó, đóng góp doanh thu ngành của các tập đoàn này vẫn khá ổn định kể từ năm 2003”, ông Andre Toh, Lãnh đạo Dịch vụ Định giá, Mô hình Kinh doanh và Kinh tế của EY ASEAN nhận định.
Không chỉ đánh mất lợi thế so với các đối tác toàn cầu, các tập đoàn đa ngành tại Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các công ty kinh doanh chuyên ngành và các công ty khởi nghiệp với các mô hình kinh doanh đột phá.
Trong thập kỷ vừa qua, các công ty kinh doanh chuyên ngành đã đạt được lợi nhuận cao hơn so với các tập đoàn lớn trong cả các lĩnh vực truyền thống và mới nổi. Họ thậm chí còn trở nên vượt trội hơn các tập đoàn Đông Nam Á với TSR cao hơn tới 37% trong một số lĩnh vực.
Theo ông Andre Toh, các tập đoàn ở Đông Nam Á nên tích cực xác định và đầu tư vào các lĩnh vực và thị trường mới nổi hơn, điều này giúp họ chứng minh danh mục đầu tư của mình trong tương lai, đồng thời loại bỏ những khoản thua lỗ khỏi bảng cân đối kế toán.
“Một khi ý thức được những đặc điểm của mình, các tập đoàn này có thể giành lại vị trí thống trị trong tập kỷ tới với một cách tiếp cận tạo ra giá trị phù hợp”, ông Toh lạc quan nói.
Chìa khóa thành công
Nghiên cứu của EY-Parthenon đề xuất 4 chiến lược trụ cột mà các tập đoàn Đông Nam Á có thể tập trung vào để đạt được thành công.
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phân bổ vốn linh hoạt để đảm bảo danh mục đầu tư của họ trong tương lai và tăng khả năng tiếp xúc với các lĩnh vực tăng trưởng cao hơn như công nghệ và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cân bằng với việc tiếp cận với các lĩnh vực có tỉ suất cổ tức thấp, rủi ro thấp và vốn nặng.
Bằng cách xây dựng và triển khai chiến lược phân bổ vốn linh hoạt, các tập đoàn đa ngành tại Đông Nam Á có thể tự bổ trợ nguồn lực để vượt qua quán tính giảm tăng trưởng và thích ứng với các thay đổi trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Thứ hai, xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số để thúc đẩy năng suất và các nguồn doanh thu mới.
Một hệ sinh thái kỹ thuật số được hình thành thông qua sự kết hợp của các nền tảng và các mối quan hệ đối tác chiến lược. Đồng thời, nó cũng tạo ra một mạng lưới các doanh nghiệp tạo điều kiện và khuyến khích chia sẻ dữ liệu, ứng dụng, cơ sở hạ tầng công nghệ, v.v.
Các tập đoàn có thể tạo ra một hệ sinh thái như vậy trong các doanh nghiệp hiện có của mình, từ đó trở thành nhà điều phối của hệ sinh thái đó. Từ đó, họ có thể kiểm soát tốt hơn các động lực của hệ sinh thái và mang về doanh thu và lợi nhuận lớn hơn.
Thứ ba, xây dựng tư duy tạo ra giá trị bền vững bằng cách tích hợp tính bền vững như một chiến lược nhóm dài hạn gắn liền với từng hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đã đi tiên phong trong các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), những sáng kiến này đã chứng minh được lợi ích qua hiệu quả tài chính trên mức trung bình của tập đoàn.
Để lồng ghép tính bền vững vào chiến lược dài hạn của mình, Vingroup đã xây dựng Khung Tài chính bền vững, theo đó tập đoàn phát hành các công cụ tài chính bền vững và phân bổ tiền thu được để tài trợ cho các dự án bền vững. Họ cũng phát triển các tiêu chuẩn ESG trong các lĩnh vực chính như giao thông sạch, quản lý nước bền vững và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Chiến lược cuối cùng mà EY-Parthenon gợi ý, đó là các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á nên hướng tới các mô hình kinh doanh ít tài sản và chuyển sang triển khai vốn của bên thứ ba.
Các tập đoàn bất động sản hàng đầu ở Đông Nam Á gần đây đã thực hiện chiến lược kinh donah ít tài sản nhằm nâng cao nhận thức của thị trường bằng cách chuyển từ các tập đoàn có bảng cân đối kế toán khổng lồ sang trở thành các nhà quản lý tài sản với chất lượng thu nhập được cải thiện và dòng tiền ổn định.
Nói tóm lại, bằng cách phát triển chiến lược phân bổ vốn linh hoạt, xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số và tạo ra tư duy để thúc đẩy giá trị lâu dài bền vững, các tập đoàn ở Đông Nam Á sẽ đạt được giá trị vượt trội, và cuối cùng giành lại sự thống trị trên thị trường toàn cầu.