Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng địa bàn, đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng; hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hội LHPN huyện Nông Cống tổ chức hội thi “Tuyên truyền kiến thức pháp luật phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy”.
Hằng năm, ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo đến các đồng chí ủy viên ban chấp hành; hội LHPN 27 huyện, thị xã, thành phố; cán bộ chuyên trách…, Hội LHPN tỉnh còn phát động cán bộ, công chức trong cơ quan tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, hội viên. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp theo vùng miền. Chỉ tính trong năm 2022, các cấp hội đã tổ chức trên 500 sự kiện truyền thông, tập huấn, nâng cao kiến thức về công tác gia đình; chăm sóc giáo dục trẻ em; an toàn thực phẩm; phòng, chống lao; kiến thức bình đẳng giới; phòng chống bạo lực học đường; phòng chống đuối nước; an toàn giao thông… cho trên 6.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ và trẻ em. Tổ chức “Ngày hội gia đình kết nối yêu thương” và ra mắt điểm hẹn “Cà phê cam – Chung tay phòng chống bạo lực gia đình”…
Thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, các cấp hội trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị và 3 cuộc thi trực tuyến; phát hành gần 700 văn bản và tiếp nhận 1.900 văn bản đến qua hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; sử dụng phần mềm chữ ký số; phát huy hiệu quả hoạt động cổng thông tin điện tử, trang fanpage… Các cấp hội trong tỉnh đã thực hiện triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến để tuyên truyền. Hiện 27/27 hội LHPN cấp huyện và 559/559 hội LHPN cấp xã có trang fanpage, nhóm zalo để tuyên truyền hoạt động hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các lĩnh vực; phát hành 35.000 cuốn Thông tin phụ nữ Thanh Hóa; cấp phát 10.684 cuốn Thông tin phụ nữ Việt Nam, 95 cuốn tài liệu truyền thông phòng, chống mua bán người để tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi/tổ, câu lạc bộ (CLB)…; tổ chức 10 lớp tập huấn và phiên chợ truyền thông về phòng chống tội phạm mua bán người và tệ nạn xã hội, bình đẳng giới tại cộng đồng; tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Duy trì 561 tủ sách pháp luật, gắn với phong trào đọc, tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ sách, báo và khai thác từ các trang thông tin điện tử, tủ sách điện tử để hội viên, phụ nữ cập nhật.
Việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ được các cấp hội đẩy mạnh thông qua mở rộng các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển phụ nữ Thanh Hóa để tư vấn cho hội viên, phụ nữ và người dân về dân sự, hôn nhân gia đình… Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở được hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình hoạt động hiệu quả. như: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, CLB “5 không, 3 sạch”, CLB “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”, “Giáo dục pháp luật”, “Gia đình trẻ”, tổ phụ nữ tự quản tại khu dân cư, chi hội kiểu mẫu… “Thông qua các mô hình, CLB của các cấp hội đã trang bị, cung cấp các kiến thức cần thiết, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong hội viên, đồng thời giáo dục con cái, người thân trong gia đình và những người xung quanh chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là một cách làm hiệu quả để đưa pháp luật đi vào cuộc sống”, đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.
Cũng theo đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, nội dung PBGDPL bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, địa phương; gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước, của tỉnh và hội, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao kiến thức cơ bản về pháp luật, quan tâm đến pháp luật, có ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật và sử dụng quyền của mình để tham gia vào các hoạt động xã hội.
Bài và ảnh: Mai Phương