Những tháng đầu năm 2023 tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh có nhiều khởi sắc. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nông sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Công nhân Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành phân loại ớt để chế biến xuất khẩu.
Theo thống kê của Phòng Chế biến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản, tỉnh Thanh Hóa hiện có 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường tiêu biểu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, một số nước khu vực EU… Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá… Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt khoảng 322 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những sản phẩm nông sản xuất khẩu truyền thống và thế mạnh của tỉnh, thị trường các nước xuất khẩu còn đòi hỏi và có nhu cầu về nhiều loại sản phẩm mới. Do đó, để bắt nhịp với thị trường, các doanh nghiệp làm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị của hàng hóa.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn cho nông sản Thanh Hóa. Đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và nhu cầu đa dạng. Theo dự báo của các ngành chuyên môn, những tháng tiếp theo của năm 2023 hoạt động thương mại nông sản tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục sôi động. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau, quả tăng lên. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.
Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hoa Hồng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) Trần Thế Hồng, cho biết: Chúng tôi đã có 10 năm hợp tác với các đối tác đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản, song chủ yếu là xuất theo đường tiểu ngạch. Hiện nay, khi được nhận định nhu cầu của các thị trường về nông sản, thủy sản tăng lên, công ty đã lên kế hoạch để thu mua nguyên liệu sớm, đầu tư thêm hệ thống máy sấy công suất lớn, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và thu mua, bảo đảm đủ đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu đa dạng hóa chủng loại mặt hàng xuất khẩu từ thủy sản. Hiện nay, bên cạnh các mặt hàng khai thác, đông lạnh, chúng tôi đã xuất theo đường tiểu ngạch thêm một số mặt hàng như moi khô, cá khô, tôm khô… Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận cũng tăng thêm so với cùng kỳ từ 5 đến 10%.
Khoảng 5 năm trước, thị trường châu Âu và Trung Đông được xác định là thị trường tiềm năng của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống). Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu và kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường trên sụt giảm, công ty đã và đang thực hiện các giải pháp để bảo đảm kế hoạch đề ra. Theo giám đốc công ty Lê Trường Tùng thì những sản phẩm đóng hộp chủ lực của đơn vị như dứa, dưa chuột bao tử đã được các thị trường đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, khi sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa ngày càng lớn, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đòi hỏi công ty phải nỗ lực, đa dạng hóa các loại mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, ngô ngọt đóng hộp, ớt xuất khẩu, vải thiều xuất khẩu là những sản phẩm mà công ty đang khai thác để tăng doanh thu, đáp ứng thị hiếu của thị trường.
Được biết, thị trường EU được đánh giá là thị trường có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng cao đối với rau, quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe và các sản phẩm đặc sản có chất lượng cao; nhu cầu gỗ nội thất (đặc biệt là gỗ đạt chứng chỉ)… Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản đang được sản xuất chế biến hiện có và nghiên cứu, tìm hiểu để sản xuất thêm những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước có nhu cầu nhập khẩu.
5 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 100 triệu USD. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm và thủy sản theo quy định. Các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh định hướng cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và sự nỗ lực của đơn vị sản xuất, kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc trong quý III, IV, hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Bài và ảnh: Lê Hòa