OpenAI ngày 14-3 đã chính thức phát hành GPT-4, một mô hình ngôn ngữ được nâng cấp so với phiên bản ChatGPT cũng do công ty khởi nghiệp của Mỹ này phát triển trước đó.
ChatGPT là một chatbot mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để tạo các câu chuyện, bài báo và các dạng văn bản khác. Bản cập nhật GPT-4 cũng mang đến khả năng này, nhưng cải tiến về nhiều phương diện như độ chính xác, tính an toàn, ít bị chệch hướng và đặc biệt là khả năng xử lý đa phương thức đầu vào, trong đó có thể sử dụng đầu vào là hình ảnh để xuất ra văn bản.
Thông báo của OpenAI nhấn mạnh GPT-4 là “cột mốc mới nhất trong nỗ lực mở rộng quy mô học sâu” và đã “thể hiện hiệu suất ở cấp độ con người” đối với một số nhiệm vụ về chuyên môn và học thuật. Công ty này khẳng định mô hình mới “sáng tạo và hợp tác hơn bao giờ hết”, đồng thời sẽ “giải quyết các vấn đề khó khăn với độ chính xác cao hơn” so với các phiên bản trước đó.
Open AI nêu rõ: “Chúng tôi đã dành 6 tháng để cải tiến sao cho GPT-4 an toàn hơn và phù hợp hơn với người dùng. GPT-4 giảm tới 82% nguy cơ phản hồi về các nội dung không được phép, trong khi tăng tới 40% khả năng đưa ra những phản hồi sát với thực tế”.
Giới yêu công nghệ cũng hồi hộp với khả năng phản hồi bằng văn bản từ GPT-4 khi nhận được đầu vào là hình ảnh – một bước tiến lớn của công nghệ AI này, mặc dù tính năng này chưa được phát hành rộng rãi. Theo dự án mà OpenAI phát triển cùng công ty đối tác Be My Eyes, nếu người dùng gửi hình ảnh về thực phẩm có bên trong một chiếc tủ lạnh, GPT-4 sẽ không chỉ xác định chính xác những gì ở đó, mà còn đưa ra được thực đơn hoàn chỉnh có được với những nguyên liệu này.
Phần lớn tính năng của GPT-4 hiện đã có sẵn cho công chúng thông qua ChatGPT Plus (gói đăng ký trả phí của OpenAI) và trên phiên bản tích hợp AI của công cụ tìm kiếm Bing mà Microsoft đang thử nghiệm.
Tập đoàn công nghệ Microsoft là công ty đã tài trợ cho các nghiên cứu của OpenAI. Việc Microsoft ứng dụng công nghệ của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, trình duyệt Edge và các sản phẩm khác của mình châm ngòi cho một cuộc chạy đua phát triển AI giữa các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Baidu và Meta.
TTXVN