Nông dân 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang phối hợp với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) trồng lúa giảm được hàng nghìn tấn CO2e. Đặc biệt, những chủ hộ nông dân là nữ sẽ được công ty hỗ trợ thêm 10 đồng/kg lúa khi thu mua, chủ hộ là người khuyết tật được hỗ trợ thêm 15 đồng/kg lúa.
Hôm nay 27/12, tại tỉnh Đồng Tháp, Vinarice tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Tại đây, một trong những thông tin trong bài phát biểu của ông Trần Trương Tấn Tài – Tổng Giám đốc Vinarice được nhiều người chú ý là vấn đề phối hợp trồng lúa giảm phát thải.
Ông Tài cho biết, phía công ty đã và đang tích cực tham gia Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL” (TRVC) của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Đây là dự án trồng lúa theo quy trình “1 phải 5 giảm” và tưới ngập khô xen kẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân và giúp giảm phát thải.
Dự án kéo dài trong 3 năm (từ tháng 4/2024 – 3/2027). Theo kế hoạch, Vinarice sẽ liên kết với hơn 20 hợp tác xã và nông dân 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, chuyển đổi 40.000 ha trồng lúa theo cách truyền thống sang sản xuất lúa phát thải thấp, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 10.000 nông dân.
Theo báo cáo kết quả thực hiện trong vụ hè thu 2024 vừa qua (do một công ty tiến hành kiểm định độc lập), Vinarice cùng các nông hộ tham gia dự án TRVC đã triển khai được 997 ha và giảm phát thải được 3.888,65 tấn CO2e so với phương pháp canh tác lúa truyền thống.
Hiện nay, dự án đang triển khai là vụ lúa thứ 2 và tổng diện tích thực hiện là 4.000ha. Kế hoạch đưa ra, dự án sẽ giúp nông dân giảm 25-30% chi phí sản xuất và giảm 4,1 tấn CO2e/ha. “Việc này đã giúp mở ra nhiều cơ hội mới trong việc xây dựng thương hiệu “Gạo Xanh – Phát thải thấp” – ông Tài nói.
Được biết, tham gia dự án, những chủ hộ nông dân là nữ sẽ được công ty hỗ trợ thêm 10 đồng/kg lúa khi thu mua, chủ hộ là người khuyết tật được hỗ trợ thêm 15 đồng/kg lúa.
Ông Tài nhấn mạnh, những kết quả nói trên sẽ phần nào đó đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng phát thải thấp và hiện thực hóa mục tiêu mà “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Chính phủ đã đề ra.
Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập, Vinarice cũng công bố quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc chấp thuận cho đơn vị mở rộng Trung tâm Chế biến hạt giống và nông sản Vinarice giai đoạn II, với diện tích nhà máy sản xuất thêm 1,1ha tại Cụm Công nghiệp Trường Xuân, huyện Tháp Mười, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng.
Phát biểu chúc mừng Vinarice tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa biểu dương những thành tích công ty đạt được trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, thương hiệu lúa gạo Vinarice là niềm tự hào của Đồng Tháp.
“Đồng Tháp luôn đồng hành và mong muốn tất cả doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học cùng tỉnh tập trung phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững” – ông Nghĩa nói.
Vinarice là được xem là trung tâm chế biến hạt giống và lúa gạo hiện đại bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á với công suất chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo trên năm.
Nhà máy Vinarice với hệ thống dây chuyền chế biến đồng bộ, được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn FSSC 22000, BRCS, HALAL. Qua đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng khắt khe nhất từ các nhà nhập khẩu và phân khúc thị trường nội địa cao cấp, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế và gia tăng hiệu quả sản xuất của người trồng lúa.
Nguồn: https://danviet.vn/da-co-noi-o-mien-tay-nong-dan-trong-lua-giam-duoc-hang-nghin-tan-co2e-20241227191425102.htm