Ngày 2/12, Tanya Chutkan, thẩm phán tại Tòa Sơ thẩm Quận Columbia (D.C.) phụ trách hồ sơ điều tra hình sự về nỗ lực phủ nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tuyên bố ông Trump không được miễn truy tố hình sự trên cương vị cựu Tổng thống.
Bà Chutkan khẳng định: “Đúng là Tổng thống đương nhiệm được hưởng các quyền miễn trừ, nhưng nước Mỹ luôn chỉ có duy nhất một Tổng thống vào bất cứ một thời điểm nào đó. Việc ông Trump từng đảm nhiệm vị trí tổng thống không có nghĩa là ông có quyền vĩnh viễn được… lẩn tránh trách nhiệm hình sự mà mỗi người dân Mỹ phải thực hiện”.
Đây là lần đầu tiên một cựu Tổng thống Mỹ phải đối mặt với cáo buộc về tội hình sự và bà Chutkan cũng theo đó mà trở thành thẩm phán liên bang đầu tiên phải đặt câu hỏi về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của các cựu tổng thống.
Trong các phát ngôn cho đến thời điểm này, ông Trump lập luận rằng ông không thể bị truy tố hình sự do đã được trắng án trong phiên luận tội tại Thượng viện Mỹ và do ông hiển nhiên có quyền miễn trừ về hình sự tương tự như quyền miễn trừ mà vị cựu tổng thống này được hưởng trong các vụ kiện dân sự theo Hiến pháp.
Trước khi Tòa Sơ thẩm ra phán quyết hôm 2/12, lập luận nói trên của phe ông Trump được coi là rào cản chính đối với việc tổ chức phiên tòa xét xử ông Trump (dự kiến vào tháng 3/2024) về cáo buộc “đảo ngược kết quả bầu cử”.
Chỉ vài giờ trước đó, Tòa Phúc thẩm Washington D.C. ra phán quyết về việc cựu Tổng thống Trump có thể bị cảnh sát thủ đô kiện ra tòa vì những thương tích mà họ phải chịu trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Đồi Capitol.
Tòa Phúc thẩm Washington D.C. kết luận rằng ông Trump vẫn có thể được miễn trừ xét xử đối với một vụ kiện dân sự có liên quan đến “công việc chính thức” của ông khi còn là tổng thống.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa Phúc thẩm Sri Srinivasan cho biết các thẩm phán của Tòa đều nhất trí rằng “nỗ lực của ông Trump nhằm tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 không nằm trong phạm vi công việc chính thức của một tổng thống Mỹ”.
Khi xem xét các vụ kiện dân sự liên quan đến ông Trump, một cơ sở quan trọng mà Tòa Phúc thẩm Washington D.C. phải tính đến chính là kết luận 40 năm trước của Tòa án Tối cao Mỹ rằng các tổng thống Mỹ không thể bị kiện ngay cả vì những hành động “có mối liên quan rất hạn chế” với nhiệm vụ chính thức của họ.
Các công tố viên của Tòa Phúc thẩm đã phải giải đáp câu hỏi: Liệu những hành vi của ông Trump sau cuộc tổng tuyển cử 2020 thực sự có “mối liên hệ hạn chế” nào với công việc của tổng thống hay không?
Phán quyết của Tòa khẳng định: “Chúng tôi kết luận là không, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay của quá trình điều tra. Khi một tổng thống đương nhiệm đứng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, chiến dịch tái tranh cử của vị Tổng thống đó không thuộc phạm vi công việc chính thức của một tổng thống”.
Như vậy, cựu Tổng thống Trump sẽ không được miễn trừ trách nhiệm cả hình sự và dân sự liên quan đến những hành vi của ông nhằm giữ “ghế” tổng thống sau cuộc tổng tuyển cử Mỹ năm 2020.
Phán quyết của các Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm Washington D.C. đã mở đường cho cuộc chiến pháp lý xoay quanh vấn đề quyền lực tổng thống, một cuộc chiến có thể phải đưa lên tận Tòa án Tối cao Mỹ.
Nhiều khả năng, hai phán quyết nói trên sẽ bị đội ngũ chuyên gia pháp lý của ông Trump kháng cáo ngay lập tức.
Người phát ngôn của cựu Tổng thống Trump, Steven Cheung cho biết các phán quyết này đã “đặt ra những tiền lệ nguy hiểm, có thể làm tê liệt các chính quyền Mỹ trong tương lai,” và khẳng định rằng “ông Trump sẽ tiếp tục đấu tranh vì nước Mỹ và người dân Mỹ, bao gồm thông qua việc thách thức những phán quyết sai trái này tại các tòa án cấp cao hơn”.
(Nguồn: vietnamplus)