Ngày 24.8, tiến sĩ – bác sĩ Lê Khâm Tuân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết tại thời điểm nhập viện, thị lực hai mắt và ý thức của người bệnh cũng bắt đầu giảm dần. Nhận thấy người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cần can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã nhanh chóng cho chỉ định cận lâm sàng xét nghiệm, chụp CT, MRI để tìm nguyên nhân.
Kết quả cho thấy có khối choán chỗ trong và trên tuyến yên, nghi ngờ u tuyến yên nhồi máu gây xuất huyết. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến yên bằng phương pháp mổ nội soi qua đường xương bướm để cứu sống người bệnh.
Bác sĩ Lê Khâm Tuân cho biết phương pháp này giúp các phẫu thuật viên tiếp cận khối u mà không cần rạch da và không cần mở nắp sọ, không để lại sẹo mổ trên đầu, đồng thời hạn chế làm tổn thương cấu trúc não lành, mạch máu, dây thần kinh, nhờ đó giảm thiểu rủi ro, biến chứng cho người bệnh, thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng được rút ngắn so với các phương pháp phẫu thuật mổ mở thông thường trước đây.
Một tuần sau phẫu thuật, người bệnh được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, các cơn đau đầu giảm và thị lực 2 mắt được cải thiện, được bác sĩ dặn dò theo dõi sức khỏe và trở lại tái khám sau 7 ngày.
Bác sĩ Tuân cho biết, u tuyến yên thường là một loại u lành tính, phát triển chậm và hầu như không có triệu chứng lâm sàng để nhận biết. Chỉ khi khối u phát triển hoặc gây tổn thương đến những khu vực lân cận trong não thì mới có thể phát hiện và điều trị. Trong thời gian qua, bệnh viện cũng đã phát hiện và điều trị cho rất nhiều trường hợp u tuyến yên gây vô sinh, đau đầu, mờ mắt, sụp mi hay thậm chí là đột quỵ như trường hợp bệnh nhân kể trên. Do đó, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh. Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc.