Vũ Đỗ Khanh (1992) hiện là Giám đốc điều hành một đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách quốc tế. Trước đó, anh được biết tới là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào chương trình thạc sĩ Chính sách công của Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, Đại học Oxford, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho hai cơ quan đầu não của Chính phủ Anh

Giành nhiều thành tựu trên suốt hành trình đi qua, nhưng Khanh thừa nhận bản thân có không ít lần lên đến đỉnh cao rồi lại rơi xuống tận cùng. “Dẫu vậy, trong tình huống nào cũng sẽ có con đường để mình bước tiếp, miễn bản thân giữ được tâm trí bình tĩnh vượt qua”, anh nói.

Khanh tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại Morocco năm 2023.

Thời phổ thông, Khanh từng có dự định đi du học. Anh cũng được nhận vào 3 ngôi trường đại học thuộc nhóm Ivy League. Nhưng vì một biến cố, mơ ước này đành phải tạm gác lại. Sau đó, anh lựa chọn thi vào ngành Đông Phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. 

Trong năm đầu tiên, Khanh vẫn cảm thấy không mấy yêu thích. Từng viết đơn xin bảo lưu kết quả tuyển sinh của Đại học Columbia (Mỹ), nhưng rồi sau đó anh lại đắn đo.

“Sang năm thứ hai, khi được tiếp xúc với các môn chuyên ngành, tôi dần nhận ra ngành học của mình cũng có nhiều điều khá thú vị. Tôi biết rằng bản thân không thể quay lại quá khứ được nữa nên chấp nhận thích nghi và bước tiếp”, anh nói.

Từ đó, Khanh bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động, đồng sáng lập ra câu lạc bộ Giao lưu Quốc tế của trường. Ngoài ra, anh còn là thành viên của Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á  – nơi giúp anh có được nghiên cứu đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp, Khanh làm trợ lý của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, Nguyên Phó Chủ Nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội

Năm 2013, nam sinh trường Nhân văn giành được giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương Quốc Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức. Cũng nhờ dấu ấn này đã giúp Khanh nhận được bức thư giới thiệu của Đại sứ Vương Quốc Anh khi nộp đơn vào các đại học hàng đầu Anh Quốc.

Theo anh, việc nộp hồ sơ vào các trường top đầu cần được đầu tư càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, để có được bài nghiên cứu mẫu hay đề xuất nghiên cứu, trước đó, Khanh đã phải tìm hiểu về “profile” và hướng nghiên cứu của các giáo sư trong trường, xem những chủ đề họ quan tâm là gì, từ đó phát triển theo hướng giáo sư quan tâm để tăng khả năng được nhận.

“Một chủ đề dẫu có xuất sắc đến mấy nhưng không phù hợp với hướng nghiên cứu của bất kỳ giáo sư nào trong trường, khả năng được nhận của ứng viên cũng sẽ rất thấp”.

Còn với bài luận, theo anh ứng viên nên tập trung viết về các giá trị và tiềm năng phát triển của bản thân thay vì sa đà vào mô típ “kể khổ”. “Việc than vãn quá nhiều sẽ hạ thấp khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên ấy”, anh Khanh nói.

Lọt vào vòng phỏng vấn, Khanh có cơ hội trò chuyện trực tiếp với hội đồng gồm 5 giáo sư. Một trong số đó đặt cho anh câu hỏi: “Dạo này bạn có đọc thứ gì khiến bản thân cảm thấy khó khăn khi tiếp cận không?”. Nam sinh người Việt khẳng khái đáp lại: “Tôi đã 23 tuổi, là thủ khoa đầu ra của một trường đại học. Với thành tích ấy, nếu tôi vẫn còn thường xuyên gặp những điều khiến mình phải khó khăn suy nghĩ, chắc chắn tôi không phải ứng viên các vị đang muốn tìm”. Sự tự tin này sau đó cũng góp phần giúp Khanh nhận được suất học bổng toàn phần của Đại học Oxford và Harvard.

Không đắn đo, anh quyết định theo học tại Oxford vì trót “mê mẩn” văn hóa “chỉ quan tâm đến kết quả” hơn là cách tư duy “quan tâm đến quá trình” như nhiều trường khác hay áp dụng. 

Giấc ngủ 3-4 tiếng tại Oxford

Tới Đại học Oxford vào tháng 8/2016 nhưng trước đó, Khanh đã có 5 tháng để tìm hiểu mọi thứ. Anh cũng chủ động liên hệ với chủ tịch các câu lạc bộ mình muốn vào, đề xuất việc muốn hỗ trợ các hoạt động của hội. Nhờ sự tham gia tích cực, tuy là người mới nhưng Khanh đã được chọn làm một trong các Chủ tọa điều phối thảo luận ở Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc tại ĐH Oxford ngay khi vừa bước chân vào trường.

Dẫu vậy, cũng có nhiều điều tại Oxford khiến anh cảm thấy “sốc”. “Các giáo sư không bao giờ giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người học mà sinh viên phải tự đặt câu hỏi và tìm đáp án cho bản thân. Ngoài ra, trong học tập, các giáo sư cũng đặt yêu cầu rất cao ở sinh viên. Trung bình, mỗi tuần tôi phải đọc hơn 600 trang tài liệu của tất cả các môn, viết 2 bài luận dài và thực hiện nhiều bài phân tích tình huống…”

Nhưng theo Khanh, điều thú vị là Oxford cho phép sinh viên được học bất kỳ những gì mình yêu thích mà không cần thêm chi phí. “Nó giống như thể một đại tiệc buffet kiến thức vậy, sinh viên muốn học gì cũng được”.

Lần đầu làm bài luận, Khanh gặp khó khăn trong việc làm thống kê xã hội và sử dụng ngôn ngữ lập trình R để phân tích dữ liệu. Khi đề xuất với trường, ngay lập tức giáo vụ đã sắp xếp cho anh một giáo viên dạy bổ trợ các kiến thức anh yêu cầu.  Nắm được những “đặc quyền” ấy, Khanh thường tận dụng các thời gian trống để xin học bổ trợ những kiến thức liên quan. 

“Cũng nhờ đó, tôi đã có được bộ kỹ năng đầy đủ để phục vụ cho công việc sau này”, Khanh nói.

Khanh cùng các đại diện khác của Đại học Oxford đến thăm Học viện Quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst

Đổi lại, thời khóa biểu của Khanh tại Oxford luôn kín mít từ 8h cho tới 19h, trong khi đó, có quá nhiều thứ anh cần quan tâm như điểm số, hoạt động xã hội và giấc ngủ.

“Tôi chỉ có thể chọn 2 trong 3 thứ ấy, vì thế chấp nhận hy sinh giấc ngủ. Nhiều bạn bè của tôi thời điểm ấy còn hay đùa rằng chưa từng thấy tôi “offline” bao giờ”.

Thay vì ngủ liên tục trong vòng nhiều tiếng, Khanh tập ngủ theo pha (polyphasic sleep), tức chia thành các giấc ngắn trong ngày để có nhiều thời gian hơn. “Cứ cách 8 tiếng tôi lại ngủ một giấc, trong đó có một giấc ngủ dài 2-3 tiếng và 2 giấc ngắn khoảng 45 phút. Điều này khiến cơ thể không quá mệt và vẫn có thể làm nhiều thứ một lúc”.

Nhờ có tư duy mạch lạc, Khanh thường hệ thống kiến thức rất logic, việc học vì thế cũng không gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 1,5 năm tại Anh, Khanh là một trong 10 sinh viên của khóa tốt nghiệp hạng Xuất sắc tại Đại học Oxford.

Trở thành người Việt Nam đầu tiên làm việc cho hai cơ quan đầu não của Chính phủ Anh 

Không để bản thân ngơi nghỉ, giai đoạn trước khi tốt nghiệp, Khanh cũng kịp rải đơn tại một số “ông lớn” như Google hay World Bank.

Tại Oxford, Khanh có Professional mentor là ông Mark Lowcock – Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh Quốc, cựu sinh viên của trường, hỗ trợ việc học và định hướng nghề nghiệp. Ông Mark Lowcock cũng thông tin cho Khanh về việc Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc đang tuyển nhân sự và động viên anh nộp vào.

Thông thường, Chính phủ chỉ tuyển người không có quốc tịch Anh cho những vị trí tại các cơ quan đại diện của Anh ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán. Với vị trí này, theo quy định về quốc tịch cho công chức, “Alien” (trường hợp người không có quốc tịch Anh ứng tuyển) chỉ được tuyển dụng khi thỏa mãn một trong hai điều kiện: Không có hoặc không đủ số lượng người mang quốc tịch Anh đủ trình độ để tuyển dụng hoặc “Alien” phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm đặc biệt. 

May mắn, thời điểm đó không có ứng viên mang quốc tịch Anh phù hợp ứng tuyển vào vị trí này. Được Hiệu trưởng Trường Quản lý Nhà nước của ĐH Oxford  và ông Mark Lowcock tin tưởng tiến cử, hồ sơ của Khanh được chấp thuận.

Trước khi được nhận vào làm chính thức, chàng trai người Việt cũng phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh gắt gao, kéo dài trong hơn một tháng. 

Công việc Khanh tại Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao là tư vấn, phân tích chính sách về khuyến học và truyền thông. 

Khanh cùng các bạn học tại Oxford

Sau đó, anh tiếp tục được chuyển sang làm việc tại Văn phòng Nội các Anh tại vị trí Phân tích viên chính sách.

“Khi xuất hiện trong phòng họp, là một người châu Á, không có quốc tịch Anh, tôi thường xuyên phải giải thích vì sao mình lại có mặt ở đây. May mắn được mọi người xung quanh hỗ trợ, mọi việc sau đó đều diễn ra suôn sẻ”, anh Khanh nói.

Trong hơn 5 năm kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, Khanh cũng từng trải một vài vị trí tại Liên Hợp quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đến cuối 2022, khi sự nghiệp đang thuận lợi, anh quyết định về nước với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề chính sách. Tuy nhiên, anh nói bản thân chưa từng hối hận về quyết định này.

“Trở về, tôi vẫn được làm công việc tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Hơn nữa thấy những gì mình làm, một phần nào đó có thể đóng góp cho Việt Nam, tôi thấy việc trở về này có ý nghĩa”.

Từng chật vật học cách thích nghi trước khi tìm ra đường đi phù hợp, anh Khanh cho rằng, trong mọi tình huống, mỗi người cần phải tìm cách vượt qua hoàn cảnh. “Dẫu trong tình huống nào cũng sẽ có con đường để bước tiếp. Mình sẽ thất bại ngay từ bước đầu nếu nghĩ bản thân chẳng thể làm được gì”, anh Khanh chia sẻ.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/cuu-sinh-vien-oxford-la-nguoi-viet-dau-tien-lam-viec-cho-noi-cac-chinh-phu-anh-2286227.html