Ngày 1.10, ông Huỳnh Văn Khái, Giám đốc Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết nơi đây vừa cứu 2 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 30.9, ông H.V.L (43 tuổi, ngụ xã Cửa Cạn, TP.Phú Quốc) đến phòng khám S.O.S trong tình trạng đau nhức, sưng tấy ở vết cắn trên ngón tay do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ông L. cho hay, ông bị rắn cắn khoảng 17 giờ cùng ngày trong lúc đi làm thợ hồ.
Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 29.9, ông L.H.N (47 tuổi, ngụ P.Dương Đông, TP.Phú Quốc) đến phòng khám S.O.S cũng trong tình trạng đau nhức, sưng tấy ở vết cắn trên bàn chân trái. Ông N. cho hay bị rắn cắn trên đường đi làm về và khi đến phòng khám, ông còn cẩn thận mang theo cả con rắn đã được đập chết.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám và xác định vết cắn được tạo ra từ rắn lục đuôi đỏ. Ngay sau đó, người của Phòng khám S.O.S Phú Quốc đã đến Trại rắn Đồng Tâm 2 (xã Dương Tơ, TP.Phú Quốc) lấy huyết thanh về tiêm cho bệnh nhân. Sau đó cho bệnh nhân ở lại phòng khám theo dõi đến khi sức khỏe ổn định mới cho về nhà.
Trao đổi với PV Thanh Niên, người quản lý của Trại rắn Đồng Tâm 2 cho biết, thời gian qua đơn vị đã cung cấp khá nhiều huyết thanh kháng độc rắn cho phòng khám S.O.S, đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, nếu các bác sĩ không nhận dạng được vết cắn, phía trại rắn sẽ giúp nhận dạng, xác định vết cắn là của loài rắn nào để cung cấp đúng loại huyết thanh tiêm cho bệnh nhân.
Còn đối với Trung tâm y tế TP.Phú Quốc, bác sĩ Lê Công Lĩnh, Giám đốc Trung tâm, cho hay do phải qua nhiều thủ tục nên phía trung tâm không có sẵn huyết thanh để phục vụ cho người dân.
“Ngoài các thủ tục, trong đó có thủ tục đấu thầu, số lượng, rồi do hạn sử dụng của huyết thanh nên chúng tôi không thể mua hoặc mượn huyết thanh để sẵn, trong khi đó, việc mua từng lọ để sử dụng khi cần thì đơn vị không làm được”, bác sĩ Lĩnh nói. Bác sĩ Lĩnh cho biết thêm phía các phòng khám tư nhân thì có thể mua từng lọ hoặc mượn vài lọ về để sẵn ở phòng khám.