Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier đến nơi hẹn với chúng tôi bằng xe máy. Ông dựng xe và hỏi chủ nhà hàng có cần phải khóa cổ như một “người Hà Nội đích thực”. Hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Poirier tiếp tục ở lại dải đất hình chữ S, làm việc với vai trò một doanh nhân bởi ông cảm thấy “nhiệm kỳ” của mình tại Việt Nam chưa kết thúc.
Là một doanh nhân và một nhà ngoại giao có gì khác nhau?
Khác nhau rất nhiều. Nhà ngoại giao là đại diện gương mặt của một nhà nước, một quốc gia, tôi phải làm tốt nhất có thể để giới thiệu thế mạnh của đất nước tôi. Nhưng tôi không cần bán sản phẩm gì cả. Bây giờ thì phải “bán thân” (cười).
Tôi phải thuyết phục các công ty đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của mình và cố gắng hết sức để chứng minh cho họ thấy khả năng của tôi.
Một điểm khác biệt nữa là khi thành lập công ty, tôi phải làm tất cả một mình chứ không có cả ê-kíp như ở Đại sứ quán. Tôi bắt đầu từ con số 0: từ việc tìm nhân viên, xây dựng ê-kíp, suy nghĩ về mô hình hoạt động, cho đến làm thủ tục… Có đến 100 vấn đề phải giải quyết.
Thế là tôi lại phải “học thêm” về Việt Nam, mỗi ngày học lại phát hiện ra một điều mới về một lĩnh vực mà 30 năm qua tôi chưa từng làm. Và vì mỗi ngày lại là một điều mới nên tôi vẫn rất hồi hộp và háo hức.
Vì sao ông quyết định ở lại Việt Nam để “khởi nghiệp”?
Có nhiều lý do khiến tôi quyết định ở lại Việt Nam chứ không trở thành một doanh nhân ở Pháp. Trước tiên, tôi yêu Việt Nam, yêu thành phố Hà Nội. Tôi cảm thấy mình có một sự gắn bó với người dân Việt Nam. Tôi luôn cảm nhận được sự sống động ở mọi gốc phố. Mọi người sinh hoạt trên vỉa hè: chơi cờ, nấu cơm, cắt tóc, bán hàng, thậm chí ngủ trưa trên vỉa hè…
Hà Nội rất tấp nập, sôi nổi nhưng vẫn bình dị. Điều này khiến tôi thích thú, khiến tôi nhớ Paris khi tôi còn trẻ. Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, Paris có nhiều nét đẹp tương tự như Hà Nội bây giờ.
Trong khu phố bình dị mà tôi sống ở Paris có nhiều xưởng làm đồ gỗ, bàn, ghế, nội thất, tương tự như khu vực nơi tôi đang ở bây giờ tại Hà Nội. Có rất nhiều các cửa hàng sắt ở dọc phố và người ta cắt sắt ở ngay trên vỉa hè. Bây giờ thì Paris không còn như vậy nữa vì cái gì cũng sản xuất ở Trung Quốc và cả Việt Nam nữa.
Bây giờ Paris là một thành phố rất xa xỉ. Có thể nói Paris đẹp nhưng một nơi đẹp đẽ hơn không có nghĩa là duyên dáng hơn. Paris giờ đây hấp dẫn với khách du lịch nhưng buồn. Với tôi, sống ở Việt Nam thú vị hơn nhiều.
Tôi cũng thích Hà Nội vì có nét văn hóa Pháp, có “vị” của Pháp ngày xưa.
Cuối cùng, người dân Việt Nam rất đẹp. Tôi hay nói ở châu Âu, người Ý là đẹp nhất, cầu thủ bóng đá của Ý rất đẹp trai. Còn ở châu Á thì người Việt Nam đẹp nhất. Họ chú ý đến ăn mặc, quan tâm đến sự thanh lịch.
Bên cạnh đó, so với những cộng đồng người châu Á khác, người Việt Nam khá thân thiện. Người Việt Nam rất cởi mở. Bất kỳ người nước ngoài nào tôn trọng văn hóa Việt Nam đều có thể trở thành bạn bè với người Việt Nam.
Ngoài những yếu tố về văn hóa, trên cương vị của một doanh nhân, ông thấy thị trường Việt Nam có điểm gì cuốn hút?
Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh nên có rất nhiều cơ hội trong mọi lĩnh vực. 15 năm nay, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất. Kể từ sau tiến trình Đổi mới, Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, rất tích cực và nhiều tiềm năng. Làm việc ở Việt Nam, tôi có thể nhìn thấy một tương lai xán lạn.
Với tôi, Việt Nam có rất nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Không phải tự nhiên gần 30 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam mỗi năm. Tôi nhận thấy lực lượng lao động ở Việt Nam rất giỏi và chăm chỉ, trong khi mức lương trung bình của người lao động vẫn còn rẻ khi so sánh với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam có môi trường kinh tế xã hội ổn định trong khi nhiều nước châu Á gặp phải tình trạng già hóa dân số. Các nước phương Tây thì đối mặt với những xung đột xã hội lớn. Đây là một điểm giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm khi xây dựng các chiến lược dài hạn tại Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện hết sức có thể.
Cuối cùng là về nhân sự. 20 năm trước, khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ Tổng lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam chưa có nhiều nhân sự đủ kinh nghiệm làm việc với công ty nước ngoài. Hiện tại thì khác hẳn. Người Việt Nam hiện nay rất có năng lực. Họ không chỉ thành thạo tiếng Anh mà còn hiểu rõ về môi trường doanh nghiệp quốc tế cũng như nắm vững mọi nhu cầu và tiêu chuẩn của doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cũng phần nào cho thấy nền giáo dục của Việt Nam đang ngày càng phát triển.
Về phần mình, ông nghĩ bản thân sẽ đóng vai trò cầu nối ra sao để thu hút các doanh nghiệp FDI hơn nữa, để họ có thể nhìn thấy sự hấp dẫn ở thị trường Việt Nam và vững tin với các quyết định đầu tư của mình?
Bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn khi bước vào một thị trường mới. Những thách thức đó tới từ khác biệt văn hóa hay không đồng nhất cách thức vận hành. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Với vai trò hiện tại của mình, tôi sẽ đứng ra giải thích tại sao công ty lại gặp vấn đề này và cung cấp giải pháp tối ưu cho họ.
Thông thường, do việc nghiên cứu thị trường còn nhiều hạn chế cũng như thiếu trải nghiệm thực tiễn, các công ty nước ngoài thường sẽ gặp rào cản về mặt pháp lý và khó nắm bắt quy định hiện hành để thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tôi cũng nhận thấy rằng, ở Việt Nam, mỗi ngày sẽ có thêm các công ty mới được thành lập nên mức độ cạnh tranh rất cao. Đây là tín hiệu tốt để chứng minh Việt Nam đang phát triển không ngừng và chính bản thân người dân muốn “vươn ra biển lớn”.
Và đó sẽ là lúc tôi trở thành cầu nối để khiến quá trình đầu tư vào Việt Nam diễn ra suôn sẻ hơn.
Thực tế, tôi luôn chia sẻ với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các doanh nhân người Pháp rằng Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng và khả năng phát triển lớn. Tôi cũng đang thuyết phục một công ty Pháp quay trở lại đầu tư vào đất nước xinh đẹp này.
Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách chống dịch Covid-19 bài bản và hiệu quả. Điều này đã giúp nền kinh tế quốc gia phục hồi nhanh chóng và là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Như ông vừa chia sẻ, ở Pháp bây giờ chủ yếu là hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam. Hậu Covid, nhiều người cũng nói về việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất và Việt Nam trở thành điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ông nhận định gì về điều này? Xa hơn, Việt Nam cần hành động ra sao để tận dụng tốt nhất lợi thế từ làn sóng này?
Trong khi làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đang diễn ra, Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp này. Hiện tại, nhiều công ty bắt đầu xây dựng thêm trụ sở ở Việt Nam và mở rộng hoạt động sản xuất. Đây là xu hướng tốt và là tín hiệu tích cực cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đi đôi với phát triển, tôi nghĩ còn một vài vấn đề cần cải thiện. Tôi nghĩ Việt Nam cần lưu ý tới vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, cải thiện cơ sở hạ tầng… Việt Nam, cũng như một số nước đang phát triển khác, phải đối mặt với mâu thuẫn giữa phát triển nhanh và bền vững. Ví dụ như vấn đề xử lý rác, nước thải, các công ty phương Tây thường sử dụng công nghệ tốt nhất, còn Việt Nam thì sẽ phải đối mặt với bài toán làm thế nào để tối ưu chi phí.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ hoạt động sản xuất ở Việt Nam vẫn là nhập các linh kiện thô từ nước ngoài, lắp ráp trong nước và sau đó đem đi xuất khẩu. Điều này làm hạn chế giá trị gia tăng. Một nguyên nhân có lẽ là do Việt Nam chưa có các công ty lớn hay tập đoàn quốc nội có tiềm lực khủng như các chaebol của Hàn Quốc. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian thôi. Tôi tin rằng trong khoảng 5-15 năm nữa, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp đủ khả năng vươn tầm thế giới.
Tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Người Việt cởi mở, không ngại giao lưu, làm việc với người nước ngoài và dễ dàng tạo mối quan hệ. Đây là điểm mạnh so với người dân của các nước khác trong khu vực.
Ông từng nói các doanh nghiệp Pháp nhìn thấy Việt Nam trong tương lai sẽ giống như Hàn Quốc. Ông có thể nói rõ hơn?
Đúng, tôi đã nói như vậy. Và tôi hy vọng các doanh nhân Pháp nhìn thấy điều này. Nếu bạn nhìn vào cấu trúc của nền kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, bạn sẽ thấy những điểm tương đồng giữa Việt Nam với Hàn Quốc.
Khi tôi còn là sinh viên, Hàn Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ thâm hụt thương mại. Họ nhập khẩu máy móc, nguyên liệu thô để xuất khẩu. Nhưng sau đó, cán cân này nhanh chóng thay đổi. Hiện giờ Hàn Quốc là 1 trong 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Sự phát triển trải đều trên tất cả mọi lĩnh vực.
Và xu hướng tương tự cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Cán cân thương mại, nhanh chóng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Ngay cả trong thời kỳ Covid, tình hình vẫn rất khả quan.
Nếu đi đúng lộ trình theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hoạt động xuất khẩu sẽ ngày càng bùng nổ, kèm với đó là triển vọng vô cùng tích cực cho ngành kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam hiện ở trong một khu vực châu Á thịnh vượng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này rất có lợi, giúp đất nước các bạn có cơ hội lớn trở thành nền kinh tế hàng đầu trong khu vực.
Điều gì Việt Nam có thể làm để trở nên hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài?
Tôi nghĩ là softpower (quyền lực mềm). Việt Nam vẫn thiếu sức ảnh hưởng thông qua điện ảnh, văn chương, âm nhạc…. Hàn Quốc là ví dụ số 1 tại châu Á về vấn đề này. Họ đã làm được điều đó với phim truyền hình, âm nhạc, thời trang và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Tôi nghĩ đây cũng là một cách để giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh và được biết đến nhiều hơn.
Bài: Lan Hương – Thùy Bảo
Đồ họa: Hải An