Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 bị can Vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam, bị cáo buộc nhiều lần nhận hối lộ, với tổng số tiền lên tới 24,9 tỷ đồng để tạo điều kiện cho hai công ty tham gia cung cấp giấy in.
Cựu chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng – Tô Mỹ Ngọc và giám đốc Công ty Minh Cường Phát – Nguyễn Trí Minh bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ trong giai đoạn 2017-2021.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam cũng bị truy tố về tội vi phạm đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
NXB Giáo dục Việt Nam lãi đậm
Theo kết luận ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, việc mua giấy in này được thực hiện hằng năm, giá giấy in chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa. Do vậy, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào (giấy in) tăng cao, nhưng NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khá ấn tượng trong những năm gần đây.
Trong năm 2023, báo cáo kiểm toán ghi nhận doanh thu thuần của NXB Giáo dục Việt Nam tăng khoảng 10,3% so với năm trước, từ mức 3.106 tỷ đồng lên 3.425 tỷ đồng. Năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam đạt doanh thu 2.451 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức khá cao, đạt gần 382 tỷ đồng trong năm 2023 so với mức 409 tỷ đồng trong năm 2022 và 358 tỷ đồng trong năm 2021.
NXB Giáo dục Việt Nam có vốn chủ sở hữu 1.472 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023, 1.406 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 1.325 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của NXB Giáo dục Việt Nam là khá cao, đạt 27% trong năm 2021, 29% trong năm 2022 và 26% trong năm 2023.
Phủ nhận chuyện ‘làm sách giáo khoa rất lãi’
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hai bộ sách giáo khoa (SGK): Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Còn CTCP Đầu tư và Xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) có bộ sách Cánh diều. Đây là 3 bộ sách được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.
Trước không ít ý kiến cho rằng làm SGK mang lại lãi cao, hồi tháng 8/2024, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho hay, quy trình làm SGK của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phải trải qua 8 bước: Xây dựng đội ngũ tác giả; xây dựng mô hình bao gồm đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên tập thiết kế; thẩm định quốc gia 2 vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách và cung ứng SGK…
“Do đó, trong cấu thành giá của SGK có rất nhiều chi phí. NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính phê duyệt. Như vậy, trên thực tế, lợi nhuận từ SGK hầu như không có hoặc có rất ít. NXB Giáo dục Việt Nam có lợi nhuận là từ các sách khác như: Sách bổ trợ, sách tham khảo…
Nhưng dư luận, ngay cả người trong ngành cũng không biết điều này, cứ cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam doanh thu 3.000 tỷ, lãi 300 tỷ là từ SGK. Nếu làm SGK dễ và lãi nhiều như vậy, có lẽ đã có rất nhiều NXB, nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK”, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói.
Đại diện Nhà xuất bản này cho biết thêm, giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố gồm: Chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí sản xuất: gồm giấy và công in, chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành; chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).
Phí tổ chức bản thảo của một bộ SGK lên tới hàng trăm tỷ đồng; chi phí nhuận bút hiện nay được tính theo tiết học (dù số lượng sách được in nhiều hay ít). Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam hàng năm cũng lên tới gần 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXB hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành cũng rất lớn”, đại diện Nhà xuất bản nói.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trên thực tế, việc tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phải độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam. Hiện có 7 NXB được Bộ TT&TT cấp phép xuất bản SGK nhưng chỉ có 6 NXB tham gia vì để thực hiện được việc xuất bản SGK không dễ dàng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-nxb-giao-duc-bi-bat-vi-nhan-24-9-ty-noi-lam-sach-tham-khao-loi-nhuan-nhu-mo-2325116.html