Ông Thanh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ. Năm 1983, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc.
Đến năm 1986, ông hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương sinh sống. Cuộc sống sau khi xuất ngũ đối với ông khi đó phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Sau một thời gian trăn trở, cân nhắc kỹ càng, năm 1988, ông quyết định đưa gia đình vào thôn 8, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) để lập nghiệp. Quyết định mang tính bước ngoặt này đã làm thay đổi số phận, cuộc đời ông và gia đình.
Ông Thanh nhớ lại, buổi đầu khởi nghiệp ở vùng đất mới, ông gặp vô vàn khó khăn. Gia đình ông thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kiến thức canh tác.
Thời gian đầu, ông trồng lúa rẫy, bắp, sắn… để lấy lương thực, tạo nguồn thu nhập, trang trải, dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, nên việc sản xuất luôn gặp khó khăn. Cuộc sống gia đình vì thế rất bấp bênh.
“Tôi là người rất chịu khó làm lụng, nhưng chỉ sản xuất cây ngắn ngày thì gia đình lúc nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Điều này luôn khiến tôi trăn trở suy nghĩ”, ông Thanh chia sẻ
Từ nỗi trăn trở của mình, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật và chuyển đổi sang trồng cà phê. Lúc đó ông tin rằng, chỉ có cây dài ngày mới tạo được sự ổn định, có nguồn thu nhập cao.
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Từ thời trai trẻ đến nay tôi vẫn xem lời dạy này của Bác là động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, xã Đắk Ru, Đắk R’lấp, Đắk Nông
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả, ông đã đưa các giống cà phê năng suất, chất lượng cao vào trồng. Bên cạnh cà phê, ông còn trồng xen canh nhiều loại cây khác để tạo nguồn thu nhập tạm thời, giúp ổn định cuộc sống.
Ông Thanh cho biết, làm nông nghiệp lúc bấy giờ không dễ, vì kiến thức, kinh nghiệm và vốn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hầu như chưa có. Từ bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như ông chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính.
Cầm cự một thời gian, vườn cà phê của ông bắt đầu cho thu hoạch. Ông đã có nguồn thu nhập tương đối tốt, cuộc sống gia đình dần được cải thiện.
Để giúp vườn cà phê phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, ông Thanh bắt đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thậm chí, ông còn mạnh dạn thuê kỹ sư về hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc vườn cây, phổ biến các kiến thức sản xuất nông nghiệp.
Học tập, tích lũy được kiến thức, ông đã tạo dựng được mô hình sản xuất bài bản, khoa học. Hiện nay, gần 4 ha đất, ông Thanh đã trồng hơn 400 cây sầu riêng, trong đó, có hơn 100 cây giống Ri6 đang cho thu hoạch, mỗi năm thu từ 20 – 25 tấn quả.
Ngoài ra, cà phê và cây ăn trái khác đang được ông trồng, cải tạo để tạo thêm nguồn thu. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí.
“Việc tham gia quân đội và chiến đấu trên chiến trường đã giúp tôi có được ý chí, nghị lực. Nhưng quan trọng hơn, là người lính cụ Hồ, nên tôi luôn cố gắng rèn luyện, học tập và làm theo Người”, ông Thanh cho biết.
Nói về việc học tập và làm theo gương Bác Hồ, ông khẳng định là học rất nhiều. Đó là những bài học xoay quanh đức tính cần cù, chịu khó trong lao động. Học đức tính tiết kiệm, chia sẻ với người khó khăn…
Kinh tế phát triển, gia đình ông Thanh đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn.
Những năm qua, gia đình ông đã rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới, phong trào chung tại địa phương.
Năm 2022, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Thanh đã hiến hơn 220m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Đoạn đường này nối từ thôn 8 đến thôn Đoàn Kết, xã Đắk Ru, với hàng trăm hộ dân sinh sống.
Ông Thanh chia sẻ: “Tôi thấy bà con đi lại khó khăn, nên hiến đất để xây dựng đường bê tông. Điều này tạo thuận lợi cho bà con làm ăn, vận chuyển nông sản, con em đến trường thuận lợi”.
Bên cạnh đó, những năm qua, gia đình ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, giúp đỡ nhiều gia đình, người dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn.
Ông sẵn sàng cho bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Hiện nay, gia đình ông đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.
Ông Lê Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru đánh giá, ông Thanh là cựu chiến gương mẫu trong việc phát triển kinh tế. Mô hình sản xuất nông nghiệp của ông mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, ông đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Mới đây nhất, gia đình ông hiến đã đất để người dân trong thôn làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
“Những việc làm của ông Thanh đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp đến hội viên nông dân, cựu chiến binh và người dân trên địa bàn. Ông Thanh là tấm gương học tập và làm theo gương Bác Hồ. Ông là nhân tố tiêu biểu để giúp hội viên, người dân nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru, Đắk R’lấp, Đắk Nông