Lễ tiếp nhận Hồ sơ chứng tích chiến tranh đã được Tổ chức Trái tim người lính phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ) tổ chức ngày 12-6 tại Hà Nội, với sự tham dự của những người Mỹ và nhiều cựu chiến binh, thân nhân các thương binh, liệt sĩ…
Cuộc trở về của 35 cuốn nhật ký và 10 lá thư thời chiến
Theo nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng – chủ tịch Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường.
Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được chụp lại và lưu giữ dưới hình thức microfilm, tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Mỹ (viết tắt là VNCA).
Những bản copy này cũng có thể được xem như là “bản gốc”, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng và có thể trợ giúp việc tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sĩ…
Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam đã phối hợp với VNCA thực hiện dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”.
Theo đó, hai bên phối hợp sàng lọc từ kho microfilm, với gần 3 triệu trang đang lưu giữ tại VNCA, để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh.
Đồng thời phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, tiến hành tìm kiếm thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh còn sống sót qua chiến tranh, để có thể trao trả hồ sơ.
Đợt này, phía đoàn Mỹ trao lại hơn 30 hồ sơ chứng tích chiến tranh gồm nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 10 lá thư thời chiến.
Trong đó Tổ chức Trái tim người lính đã liên lạc được với 12 cựu chiến binh và thân nhân các thương binh, liệt sĩ là chủ sở hữu của các hồ sơ này để trao trả lại.
Hai cựu binh già tự tay nhận lại kỷ vật chiến trường
Đặc biệt may mắn có hai thương binh là chủ nhân của các hồ sơ chứng tích chiến tranh hiện vẫn còn sống. Hai ông đã đến Hà Nội để nhận lại hồ sơ của mình.
Đó là ông Đỗ Xuân Thuyên (sinh 1945) đang ở Thái Bình, dù đã 80 tuổi, phải đi xe lăn và cần người đi cùng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Tiến Đồng (hiện là trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào của tỉnh Hà Tĩnh) đi tàu đêm ra Hà Nội, để nhận lại những kỷ vật thời chiến của mình.
Tại buổi lễ, không chỉ hai cựu chiến binh nghẹn ngào xúc động gặp lại những kỷ vật thời chiến của mình mà thân nhân các liệt sĩ cũng vô cùng xúc động khi gặp lại kỷ vật của người thân đã mất từ lâu.
Gần đây, bằng nhiều nỗ lực từ phía chính phủ hai nước cùng cả các cá nhân, tổ chức của hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, nhiều hồ sơ chiến tranh gồm nhật ký, thư từ, tranh ảnh… đã được trao lại cho các cựu chiến binh, thân nhân các thương binh, liệt sĩ.
Nhiều câu chuyện trở về của những kỷ vật chiến trường này gây xúc động mạnh trong xã hội, như cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, và nhiều di vật khác.
Dịp này ban tổ chức cũng giới thiệu tự truyện Mãi vẫn là người lính của tác giả Đặng Ngọc Đa và trao tặng di ảnh chân dung màu được phục chế bằng AI cho một số gia đình liệt sĩ.
Tự truyện Mãi vẫn là người lính kể về cuộc hành trình của anh bộ đội Cụ Hồ Đặng Ngọc Đa sinh năm 1939 tại Hưng Yên, từ chiến trường ác liệt đến “khu vườn hạnh phúc”; từ gian khổ chiến tranh đến cuộc sống hòa bình an nhiên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuu-binh-nghen-ngao-nhan-lai-ky-vat-chien-truong-nhieu-nam-luu-lac-tren-dat-my-20240612205418134.htm