Cựu sĩ quan Lục quân Mỹ Barry Romo và là điều phối viên quốc gia của Tổ chức Cựu binh Phản đối chiến tranh Việt Nam vừa qua đời tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.
Cựu sĩ quan Lục quân Mỹ Barry Romo, người từng chứng kiến các cuộc ném bom của Mỹ xuống Hà Nội vào năm 1972 và trở thành người tổ chức phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.
Tổ chức Cựu binh Phản đối chiến tranh Việt Nam (VVAW-Mỹ) thông báo rằng ông Romo qua đời hôm 1.5, theo tờ The Washington Post đưa tin ngày 8.5. Ông Romo từng làm điều phối viên quốc gia của VVAW trong hơn 4 thập niên.
Phát ngôn viên Roberto Clack của VVAW cho hay ông Romo bị đau tim tại nhà và được đưa đến bệnh viện, nơi các bác sĩ tuyên bố ông đã qua đời.
Vào đỉnh điểm phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, ông Romo là người có tiếng nói ảnh hưởng lớn trong số những cựu binh Mỹ phản đối việc Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đưa tin rằng cuộc chiến là cần thiết và Mỹ có thể thắng.
Ông Romo và các cựu chiến binh khác cũng đã trở thành những biểu tượng lớn của các cuộc biểu tình phản chiến rộng rãi từ của sinh viên, các nhóm tôn giáo và những người khác.
Vào tháng 4.1971, ông Romo tổ chức các đoàn xe đưa hàng ngàn cựu binh Mỹ đến Washington D.C tham gia một trại phản chiến gọi là Chiến dịch Dewey Canyon III, được đặt theo tên của 2 chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm tấn công các căn cứ ở miền bắc Việt Nam.
Các cựu chiến binh cắm trại ở Quảng trường Quốc gia ở Washington D.C, tham dự các phiên điều trần tại Thượng viện và tổ chức các cuộc mít tinh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington cũng như bên ngoài Tòa án Tối cao và Lầu Năm Góc.
Vào ngày 23.4.1971, ông Romo đã cùng hàng trăm cựu chiến binh ném huy chương, giấy giải ngũ và các vật kỷ niệm chiến tranh lên bậc thềm Điện Capitol. Ông Romo đã ném Huân chương Sao Đồng và Huy hiệu Lính bộ binh chiến đấu của mình.
Đứng cạnh ông Romo khi đó là cựu sĩ quan Hải quân Mỹ John Kerry, cũng là một lãnh đạo của VVAW. Ông Kerry là thượng nghị sĩ tại Massachusetts, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ vào năm 2004 và sau đó làm Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 1.2.2013 – 20.1.2017. Gần đây nhất, ông Kerry là Đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Sau khi ông Romo và nhiều cựu binh rời Washington D.C, các cuộc tuần hành phản chiến ồ ạt đã làm tê liệt nhiều nơi trong thành phố vào ngày 1.5.1971. Hơn 7.000 người đã bị bắt trong một trong những cuộc đối đầu trên đường phố lớn nhất tại Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Cảnh tượng huy chương của các cựu chiến binh rơi leng keng trên bậc đá cẩm thạch của Điện Capitol đã trở thành một trong những cảnh tượng đặc trưng trong nhiều tuần biểu tình, vào thời điểm mà dư luận ngày càng đặt câu hỏi rằng chiến tranh có thể kéo dài bao lâu và phải trả giá như thế nào.
Ông Romo nhập ngũ năm 1966 với tư cách là người ủng hộ cuộc chiến và được điều đến Việt Nam một năm sau đó.
Sau khi rời chiến trường, ông Romo giám sát một công ty huấn luyện tại Fort Ord ở California và giải ngũ vào tháng 1.1969. Ông nhanh chóng đóng vai trò tích cực trong các cuộc tuần hành phản chiến và hành động của cựu chiến binh, đồng thời là một trong số hơn 100 cựu quân nhân tham dự một sự kiện ở thành phố Detroit (bang Michigan) vào đầu năm 1971 để đưa ra những cáo buộc lạm dụng quân sự và hành động tàn bạo của lực lượng Mỹ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cuu-binh-my-noi-tieng-ve-phan-doi-chien-tranh-viet-nam-vua-qua-doi-185240508110111902.htm