Ám ảnh suốt đời
Đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày gặp tai nạn lao động, anh Nguyễn Trung Ngọc (ngụ tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) vẫn chưa quên được biến cố lớn nhất đời, khiến anh thành người tàn tật.
Buổi chiều tháng 4/2017, người bạn cùng thôn nhờ anh lợp lại mái tôn đã cũ. Vốn là thợ hàn lành nghề làm việc tại một xưởng cơ khí, anh vui vẻ nhận làm để kiếm thêm thu nhập.
Quá trình thi công, anh Ngọc giơ thanh sắt lên cao, để vướng vào đường dây điện cao thế. Lập tức, luồng điện như sét đánh thẳng vào người, khiến anh Ngọc té từ trên cao xuống, bị điện giật cháy đen toàn thân.
Phát hiện anh Ngọc gặp nạn, người dân địa phương đưa nạn nhân đi cấp cứu. Do bị bỏng rất nặng, vết thương có khả năng hoại tử, anh Ngọc được chuyển gấp xuống bệnh viện tại TPHCM điều trị. Tại đây, để giữ mạng sống, anh buộc phải cắt bỏ 2 chân, 1 tay và tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng chi phí chữa trị.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, nhìn cơ thể không còn lành lặn, anh khóc nghẹn. Từ người đàn ông trụ cột của gia đình, anh trở thành người khuyết tật, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cậy người thân.
Với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm sau đó, anh Ngọc được lắp đôi chân giả. Có đôi chân, anh tiện đi lại và bắt đầu làm những việc vặt với mong muốn kiếm tiền nuôi con. Từ ngày anh gặp nạn, vợ chồng cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn rồi chia tay nhau, mỗi người nhận nuôi một người con.
“Mỗi tháng, tôi được nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng dành cho người khuyết tật. Tôi cũng nuôi thêm đàn ngan, gà để bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Tai nạn lao động để lại quá nhiều mất mát với tôi. Giá như ngày đó tôi cẩn trọng hơn khi làm việc đã không bị như vậy”, anh Ngọc tiếc nuối.
Nhiều đơn vị xem nhẹ chuyện an toàn lao động
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, năm 2022 toàn tỉnh có 174/5.700 đơn vị báo cáo về tai nạn lao động, khiến 7 công nhân tử nạn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, dựa trên báo cáo của 134 đơn vị, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2 trường hợp tử vong do tai nạn lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, cho biết việc tuyên truyền về phòng chống tai nạn lao động tại một số doanh nghiệp còn sơ sài, mang tính hình thức. Nhận thức của chính người sử dụng lao động và bản thân người lao động chưa cao, có lúc còn xem nhẹ công tác này.
Nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, chậm nộp báo cáo tổng kết tình hình tai nạn lao động nên công tác đánh giá chưa thật sự sát với thực tế.
Theo ông Thuân, để giảm thiểu tai nạn lao động, cần đẩy mạnh tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực của cán bộ phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra, các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, nhất là lĩnh vực xây dựng công trình, các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ.
“Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn lao động, nhất là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động làm công việc có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn và cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động”, ông Thuân cho hay.
Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, hướng dẫn cho người lao động trong việc xác định các yếu tố nguy hiểm nơi làm việc để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.