Đây có thể xem là tài liệu mang tính chất phác thảo, tương đối đầy đủ và toàn diện thông tin về các nhà in và hoạt động in ấn bằng chữ Latin ở VN thời thuộc Pháp (1862 – 1920).
Kỹ sư Trịnh Hùng Cường cho biết nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa bản địa ở VN, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản. Nhưng ngoài những bài báo rời rạc bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, ông chưa thấy có một cuốn sách nào ở VN thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Điều này thôi thúc ông, với những tư liệu sở hữu và được tiếp cận, đã “lần theo dấu chữ” – những con chữ của nghề in ấn chữ quốc ngữ Latin ở VN thời thuộc địa.
Lần theo dấu chữ gồm 4 phần: phần 1 – Vài nét về lịch sử in ấn ở VN thời kỳ đầu thuộc địa (1862 – 1920); phần 2 – In ấn ở Nam kỳ; phần 3 – In ấn ở Bắc kỳ; phần 4 – In ấn của Công giáo. Từ góc nhìn tổng quan, tác giả đi vào cụ thể: Bắt đầu từ nhà in Hoàng Gia (Imprimerie Impériale) thành lập ngày 1.2.1862, sau 8 ngày (9.2.1862) nhà in đã hoạt động rầm rộ chỉ với 2 máy ép chữ và 1 máy in thạch bản. Tiếp đó, nhà in tư nhân đầu tiên có mặt ở Sài Gòn (1868), mô hình nhà in – hiệu sách ra đời (1893), từ các nhà in hiệu sách tư nhân của người Pháp đã xuất hiện các nhà in, hiệu sách của người Việt ở Nam kỳ… Ở Bắc kỳ, nghề in ấn, xuất bản được F. H. Schneider đi tiên phong (1885), tiếp nối là nhà in Taupin (1890), nhà in IDEO (khoảng 1907 – 1908), nhà in Tonkinoise (1911)… Người Việt đầu tiên ở miền Bắc đến với nghề in và xuất bản là nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (khoảng 1902) rồi đến hiệu sách – nhà xuất bản Ích Ký gắn với tên tuổi nhà báo Đỗ Thận; nhà in – hiệu sách Mạc Đình Tư (1909) – sau đổi thành nhà in Lê Văn Tân; nổi tiếng hơn cả là nhà in – hiệu sách Thụy Ký (1909) có trụ sở tại 98 Hàng Gai – Hà Nội…
Lần theo dấu chữ dừng lại ở mốc năm 1920. Tác giả giải thích đó là thời điểm “đế chế in ấn xuất bản của F. H. Schneider – người cuối cùng của lớp tư bản cũ – ngừng kinh doanh tại Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho ngành in ấn và xuất bản VN trong giai đoạn sau này (1920 – 1945)”. Từ năm 1920 trở đi, các nhà in, nhà xuất bản của người Việt ra đời, đảm đương gần như toàn bộ việc in ấn, phát hành sách báo chữ quốc ngữ. Tác giả dành riêng cho giai đoạn sau này một công trình khác trong tương lai.
Kỹ sư điện Trịnh Hùng Cường (43 tuổi) hiện làm việc và cư trú tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhiều năm trước ông đã được biết đến với khối lượng sưu tầm sách báo khá lớn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuon-sach-ve-thoi-ky-dau-in-an-sach-bao-chu-latin-18524112022390993.htm