Hội An từ lâu nói không với du lịch giá rẻ
Khác với các điểm đến khác, Hội An từ lâu đã bày tỏ sự khước từ với du lịch giá rẻ. Quan điểm này được nhiều lãnh đạo thành phố nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn – chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An – từng chia sẻ rằng Hội An là đô thị cổ có tuổi đời hơn 400 năm, phạm vi nhỏ nhưng cao điểm đón tới hơn 5 triệu lượt khách.
Dù khách đông nhưng doanh thu tăng không nhiều. Trong khi chi phí Nhà nước phải bỏ ra để giải quyết hạ tầng, môi trường, an ninh rất lớn.
Để phát triển bền vững, giữ gìn hình ảnh di sản thì dòng khách mà Hội An mong muốn đón là khách châu Âu, Úc, khách Mỹ… Nhóm khách này luôn chi trả tiền dịch vụ cao, lưu trú dài ngày, ở khách sạn đắt tiền, luôn mua vé vào tham quan phố cổ nhưng từ lâu chưa được chăm sóc đúng mức.
“Hội An định hướng xây dựng thành phố du lịch gắn liền với văn hóa, sinh thái môi trường. Tránh nơi đến của hình thức du lịch giá rẻ” – lãnh đạo Hội An nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp.
Đã rẻ thì không có chuyện “ngon, bổ” tại Hội An
Không chỉ chính quyền, mà thái độ “cự tuyệt” với du lịch giá rẻ ở Hội An thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19. Khi bàn các chương trình kích cầu sau đại dịch, bài toán “sale giá dịch vụ sập sàn” hay giữ nguyên giá được thảo luận căng thẳng.
Các doanh nghiệp cho rằng không có chuyện giá rẻ mà chất lượng tốt. Giá luôn đi đôi với dịch vụ.
“Chúng tôi rất dị ứng với những danh hiệu “không đúng, không sai” kiểu như Điểm đến lý tưởng cho người thích du lịch một mình, Điểm đến giá rẻ nhất thế giới…
Khi nghe đến danh hiệu Điểm đến giá rẻ nhất thế giới chúng tôi không vui, mà chỉ thấy buồn.
Nhiều anh em du lịch còn bảo nhau rằng danh hiệu ấy giống như sự cợt đùa. Mặt nào đó cho thấy chúng ta chưa biết khai thác và lấy về khoản tiền xứng đáng với những gì mình đang có” – ông H.K.T. – chủ một doanh nghiệp du lịch tại Hội An – nói.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại miền Trung đều cho rằng việc đánh giá là quyền của các tổ chức. Nhưng nhìn nhận sao cho đúng với các danh hiệu thì cần phải tỉnh táo.
Với điểm đến giá trị và có chiều sâu như Hội An thì tuyệt đối không nên hăm hở với danh hiệu kiểu như “Điểm đến rẻ nhất thế giới”.
“Không chỉ phản ánh việc mình chưa biết cách lấy tiền xứng đáng từ du khách, danh hiệu Điểm đến giá rẻ nhất thế giới sẽ dần hình thành suy nghĩ rằng Hội An thành điểm đến du lịch giá rẻ.
Các doanh nghiệp kinh doanh phân khúc cấp cao, đầu tư hàm lượng văn hóa, sinh thái nhiều sẽ đứng trước nguy cơ bị “làm khó” bởi suy nghĩ Hội An là nơi của du lịch giá rẻ” – chủ một doanh nghiệp lữ hành tại Hội An nói.
Lãnh đạo ngành văn hóa khẳng định Hội An “rẻ mà… vẫn tốt”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nên nhìn nhận ra sao với danh hiệu Điểm đến giá rẻ nhất thế giới dành cho Hội An, bà Phạm Thị Ngọc Dung – phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin thành phố Hội An – nói rằng Hội An không lấy làm buồn với danh hiệu này.
Theo bà Dung, dù là “điểm đến giá rẻ” nhưng chất lượng phục vụ tốt thì cũng là tốt với địa phương.
“Họ đánh giá chỉ là giá rẻ, chứ không phải là phục vụ không tốt. Việc giá rẻ cũng rất phù hợp với thị hiếu của khách trong thời gian sau dịch COVID-19. Chúng tôi không buồn vì bình chọn trên”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – cũng nói rằng quốc tế đánh giá Hội An giá rẻ, chứ không nói rằng chất lượng không tốt. Đánh giá đó cũng phản ánh rằng hình ảnh du lịch Hội An hấp dẫn trong mắt du khách.
Mua 8 món đồ ở Hội An chỉ tốn 64 USD
Mới đây, báo cáo Holiday Money 2024 do Bưu điện Anh (công ty tài chính lớn tại Anh) phát hành đã công bố Hội An là điểm đến rẻ nhất thế giới với du khách Anh.
Theo đó, mức chi tiêu trung bình khi mua sắm 8 mặt hàng thiết yếu của khách du lịch Anh khi tới Hội An gồm một tách cà phê, một cốc bia, một lon Coca-Cola, một chai nước, một tuýp kem chống nắng, một chai thuốc chống côn trùng, một phần ăn tối ba món cho hai người, một chai rượu vang chỉ tốn khoảng 64 USD.
Cụ thể: Một lít bia ở Hội An chỉ có giá 1,5 USD, một lon Coca-Cola tương đương 1 USD, một tuýp kem chống nắng có giá 4 USD và một bữa tối ba món cho hai người có giá 50 USD.