Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, các đơn vị chức năng…
Cuối năm 2025, hoàn thành 68km cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
Báo cáo Thủ tướng tại hiện trường thi công Km105 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, công tác quy hoạch, đầu tư mạng lưới cao tốc Tây Nguyên được chú trọng triển khai.
Theo quy hoạch, khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài khoảng 1.900km. Trong đó, có 1 tuyến trục dọc cao tốc Bắc – Nam phía Tây với tổng chiều dài 495km từ Ngọc Hồi – Chơn Thành.
Riêng đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành 140km vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; còn lại đoạn Ngọc Hồi – Gia Nghĩa 355km đang nghiên cứu đầu tư.
Ngoài ra, còn có 8 tuyến trục ngang với chiều dài khoảng 1.400km. Bao gồm 19km cao tốc Liên Khương – Prenn hoàn thành đầu tư; đang đầu tư 117km đoạn Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; đang chuẩn bị đầu tư 381km gồm các đoạn, Quy Nhơn – Pleiku (180km), Dầu Giây – Liên Khương (201km đã phê duyệt chủ trương đầu tư); đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư (136km đoạn Kon Tum – Quảng Ngãi).
“Phấn đấu đến cuối năm 2025, 68km đầu tiên giai đoạn 1 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành, nâng tổng số cao tốc đang khai thác ở Tây Nguyên lên gần 90km. Còn lại 46km giai đoạn 1 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành cuối năm 2026. Trong năm này, Tây Nguyên sẽ có 136km cao tốc và năm 2030 phấn đấu có gần 1.200km cao tốc”, ông Hoàng báo cáo.
Giai đoạn sau năm 2030 sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 751km các tuyến còn lại theo quy hoạch: Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y, Pleiku – Lệ Thanh, Phú Yên – Đắk Lắk, Nha Trang – Liên Khương, Liên Khương – Buôn Ma Thuột.
Công trường tăng tốc thi công, sớm bàn giao mặt bằng
Thủ tướng trực tiếp thị sát các dự án thành phần 2 và 3 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, nghe các đơn vị báo cáo tiến độ. Theo các chủ đầu tư (Khánh Hòa, Bộ GTVT, Đắk Lắk) đến nay toàn công trường đang tăng tốc thi công.
Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho hay, tất cả các nhà thầu đang tập trung toàn bộ nhân lực, máy móc và đã tăng tốc thi công.
Trên tuyến bố trí 9 nút giao (trung bình 13km/1 nút), trong đó: Khánh Hòa 3 nút (QL1, CT01, QL26); Đắk Lắk 6 nút (Trường Sơn Đông, Ea Rớt, Vụ Bổn, TL9, TL10, CT02). Công trình trên tuyến tổng số 86 cầu/19,3 km, 4 hầm/2,8km.
Thống kê, với 8 gói thầu xây lắp, khối lượng thi công toàn dự án đến nay đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc cản tiến độ triển khai.
Trong đó, mặt bằng còn vướng khoảng 4,8/116km chưa bàn giao; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên kéo dài, đến khoảng tháng 6/2024 mới bắt đầu khai thác để bàn giao mặt bằng…
Khó hơn nữa là mặt bằng được bàn giao không liên tục. Đại diện ban điều hành dự án thành phần 2 cho hay, dự án qua địa hình phân cắt mạnh, khu vực rừng tự nhiên nên việc mở đường tiếp cận rất khó khăn.
Báo cáo Thủ tướng, Cục Đường cao tốc Việt Nam kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đẩy nhanh thủ tục bồi thường, tái định cư, thu hồi rừng để hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2024.
Huy động nhà thầu địa phương cùng tham gia dự án
Ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn cho biết: “Là một doanh nghiệp địa phương tỉnh Đắk Lắk, được tham gia thi công cao tốc cho quê hương, nên doanh nghiệp luôn luôn ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, dồn nhân lực, máy móc thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình”.
“Đơn vị được thi công 7,5km đường cao tốc. Đến nay toàn bộ hệ thống thoát nước tuyến chính và cửa hầm chui đã hoàn thành 100%. Đến giữa tháng 9/2024 sẽ rải đá cấp phối, đá dăm. Phấn đấu, quyết tâm đến tháng 8/2025 sẽ cơ bản hoàn thành gói thầu”, ông Hải cho hay.
Ngay tại công trường, Thủ tướng đã chỉ đạo các nhà thầu phải tăng tốc thực hiện công trình, 3 ca, 4 kíp, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, vượt nắng thắng mưa… để đáp ứng tiến độ.
Các nhà thầu có thể gọi thêm các nhà thầu địa phương cùng hỗ trợ để nâng cao năng lực. Huy động lực lượng quân đội, công an hỗ trợ thêm các công việc liên quan. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ thuật, bảo vệ môi trường, không để ảnh hưởng đến người dân.
Thủ tướng Chính cũng đánh giá cao tỉnh Đắk Lắk, lần đầu tiên được Chính phủ giao cho làm chủ đầu tư dự án lớn, nhưng hiệu quả đáng mừng. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk cố gắng thực hiện thật tốt, rút ngắn thời gian phấn đấu trong năm 2025 thực hiện xong tuyến cao tốc.
Đối với Bộ GTVT được giao chủ đầu tư dự án thành phần 2 mặc dù hơn 10km nhưng thi công khó, phải thực hiện 4 hầm, 38 cầu vượt địa hình. Do đó, đề nghị cán bộ của ban phải tập trung, ăn nằm ở công trường để đôn đốc đơn vị thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk báo cáo Thủ tướng sẽ tập trung đẩy mạnh thi công để hoàn thành 20km đầu tuyến dự án thành phần 1 và toàn bộ 48km dự án thành phần 3 cuối năm 2025.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cuoi-nam-2025-tay-nguyen-se-co-gan-90km-duong-cao-toc-192240817202710167.htm