Cước vận tải biển quốc tế tăng phi mã đang là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá cước vận tải biển tăng hơn 70%, còn so với thời điểm trước dịch COVID-19 thì tăng trên 110%. Để có thể kéo giảm mức cước này, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra.
Chỉ 2 tháng đầu năm nay, công ty chế biến thủy sản Baseafood đã xuất 1.300 tấn sản phẩm sang Mỹ, EU, Nhật Bản… Dù kim ngạch xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận của đơn vị lại giảm vì phí vận chuyển tăng từ 1,8 – 2,5 lần.
Theo các chuyên gia, những tuyến đường có cước phí vận tải biển tăng cao nhất là châu Âu, Mỹ. Dù nguyên nhân là sự cố khách quan đến từ khủng hoảng ở khu vực biển Đỏ. Để đồng hành cùng doanh nghiệp xuất vai trò định hướng, hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng.
Bà Đặng Thị Bích Hoài – Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các thuế phí dành cho các công ty vận tải biển vẫn còn khá là cao như phí kiểm định an toàn, phí bảo hiểm… Trong thời điểm hiện nay có thể một phần nào đó Nhà nước hoặc các cơ quan hữu quan xem xét, cân nhắc để ủng hộ cho các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục phát triển”.
“Cần phải có một đề án phát triển đội tàu container của Việt Nam. Đó là cách để mà chúng ta chủ động duy trì kết nối vận tải quốc tế giữa Việt Nam và thế giới, tránh tình huống phụ thuộc 100% vào kết nối vận tải quốc tế từ các hãng tàu nước ngoài như hiện nay”, ông Nguyễn Duy Minh – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất.
Gần 90% khối lượng hàng hóa thương mại của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, đội tàu của Việt Nam chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, phát triển đội tàu container quốc gia, đội tàu bay chuyên chở hàng hóa cũng như hiện đại hóa vận tải đường sắt sẽ giúp doanh nghệp cắt giảm cước phí vận tải đường biển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Theo VTV