Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn huyện Châu Thành.
Tuyên truyền cho các doanh nghiệp tìm hiểu đăng ký thương hiệu, hàng hoá, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng hoá là điều kiện quyết định
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp tổ chức 6 cuộc kiểm tra tại 106 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở sản xuất, chợ đầu mối nông sản, cửa hàng tiện lợi. Qua công tác kiểm tra, giám sát, đã chấn chỉnh những vi phạm và tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp qua việc kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được các sở, ngành quan tâm thực hiện. Cụ thể: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu và thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với 8 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà, rau, củ, quả, nước chấm… có 13 doanh nghiệp tham gia và thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt như hàng hoá bảo đảm chất lượng, niêm yết và bán theo giá niêm yết, giá bán giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống siêu thị Co.opMart tại Tây Ninh gồm: Thành phố, Tân Châu, Gò Dầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên thực hiện 24 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, các khu cụm công nghiệp. Ngoài ra, Công ty TNHH xuất nhập khẩu – thương mại – công nghệ – dịch vụ Hùng Duy đã thực hiện các chuyến bán hàng đến vùng sâu, vùng xa, bình quân 26 chuyến/ngày.
Theo Ban Chỉ đạo, trong quá trình triển khai thực hiện, cuộc vận động chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng trong tỉnh, hàng Việt Nam chất lượng cao và nhất là các mặt hàng sản xuất trong tỉnh còn hạn chế về mẫu mã, chủng loại, giá thành còn cao, chưa đến được với người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, muốn thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì phải xem hàng hoá là điều kiện quyết định, hàng hoá đó phải chất lượng, đa dạng, phong phú, giá cả phải hợp lý, cạnh tranh.
Ông Dương Văn Thắng đề nghị, 6 tháng cuối năm, các sở, ban, ngành phải có kế hoạch, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và hướng đến sản xuất tốt, tạo ra nhiều hàng hoá chất lượng, sản phẩm OCOP nhiều sao. Trong đó, có nhiều vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp như: thành lập các sàn thương mại điện tử, sàn nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, công tác tuyên truyền tiếp tục được các sở, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương được tăng cường, các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng và phát triển, các siêu thị, chợ và hoạt động đưa hàng Việt về vùng nông thôn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định về sự liên kết giữa nhà sản xuất, kinh doanh trong tỉnh với người tiêu dùng; các mặt hàng, mẫu mã, chủng loại của hàng hoá trong tỉnh chưa đa dạng và giá cả của nhiều mặt hàng còn cao, chưa đến được với người dân ở vùng nông thôn, biên giới.
Công tác tuyên truyền của các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo còn hạn chế, nhất là hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa đổi mới, chưa thật sự tạo được sức lan toả. Tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng còn nhiều, tạo tâm lý e ngại cho người dân.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động trong những tháng cuối năm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các ngành, các thành viên tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: từng cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động đến cán bộ công chức, thành viên, hội viên và toàn thể nhân dân với nhiều hình thức hơn, có tính đổi mới, sáng tạo.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, tổ chức hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nông sản, thực phẩm, hàng lưu niệm… với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Tây Ninh đến du khách trong và ngoài nước.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thủ tục pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương. Trên cơ sở đó, các sản phẩm có chất lượng của địa phương trong tỉnh có điều kiện thâm nhập vào hệ thống các siêu thị lớn (Co.opMart).
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hoá trên thị trường, nhất là kiểm soát chất lượng hàng khuyến mãi, hàng bán tại các hội chợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính.
Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới trang bị thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng, từ đó để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn mua và sử dụng.
Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng các thương hiệu, nhãn mác hàng hoá, sản phẩm của địa phương. Hướng dẫn các nhà sản xuất quản lý tốt chất lượng sản phẩm để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị có uy tín, các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh.
Nhi Trần