Việt Nam phải thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa để tranh thủ ngoại lực, phát huy tốt nội lực để thúc đẩy kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững
Từ đó, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị và ổn định
Những năm qua, cuộc chạy đua vũ trang, cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn, cùng với đó là xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine đã trở thành những mảng màu chủ đạo trong bức tranh về tình hình thế giới với những diễn biến phức tạp. Trên biển, các tuyến giao thông hàng hải quan trọng như: eo biển Malacca, vịnh Thái Lan, biển Sulu, biển Đông trở thành khu vực nhạy cảm để các cường quốc cạnh tranh chiến lược, gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng.
Khu vực biển Đông là một trong những điểm nóng của thế giới, bởi đây là vùng biển có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Hầu hết các nước lớn trên thế giới đều mong muốn có lợi ích chiến lược ở khu vực này. Ở biển Đông, vùng biển Việt Nam chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên quan trọng, như dầu mỏ và khí đốt, với một vùng biển rộng trải dài qua 16 vĩ tuyến, có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh quan trọng của khu vực và thế giới.
Những lợi thế cơ bản về vị trí, tiềm năng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải chủ động bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ từ sớm, từ xa. Đây là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, là định hướng chiến lược, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Đồng thời, Việt Nam phải thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa chính sách hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ ngoại lực, phát huy tốt nội lực để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Muốn vậy, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung mang tính chiến lược. Thứ nhất, xây dựng và phát triển bền vững các mối quan hệ hợp tác song phương tin cậy, ổn định với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước láng giềng và trong khu vực. Tăng cường tuần tra liên hợp trên các vùng biển lân cận đường phân định kết hợp với các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển và tổ chức luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ… Từ đó, củng cố sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, thắt chặt mối quan hệ, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, để duy trì mối quan hệ hợp tác với các nước, chúng ta cũng cần thường xuyên trao đổi tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển tiếp giáp hai nước; tình hình hoạt động của ngư dân mỗi bên, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên biển.
Thứ hai, thiết lập mối quan hệ với lực lượng bảo vệ bờ biển của nhiều nước lớn trên thế giới, qua đó tiếp thu kinh nghiệm và tranh thủ các nguồn hỗ trợ về trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Cử cán bộ sang các nước để học tập, nghiên cứu chuyên sâu, tham quan cách tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển các nước; tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên ngành… Đồng thời, tranh thủ nguồn tài trợ về trang bị, tàu, xuồng, cơ sở hạ tầng, cơ sở bảo dưỡng, nguồn vốn vay ODA… để phục vụ hoạt động thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh, an toàn biển, đảo; qua đó góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trên các vùng biển…
Thứ ba, không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và dân quân tự vệ biển vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Song song đó phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế biển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xác định; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, trên các vùng biển đảo của Tổ quốc, nhất là vùng biển phía Bắc, vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1 và vùng biển Tây Nam.
Trong quá trình triển khai luôn phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển về công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; từng bước khẳng định vị thế, trách nhiệm, uy tín của Việt Nam đối với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực, xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và chung nhau xây dựng vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển.
Giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển là quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Song song với các biện pháp đã đề ra, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và mối quan hệ giữa phát triển bền vững giữa kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới.
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-giu-gin-vung-bien-hoa-binh-196241019200916822.htm