THỂ LỆ CUỘC THI
Tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02- QĐ/BTC, ngày 11/4/2023 của Ban Tổ chức Cuộc thi)
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
– Thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023).
– Thông qua Cuộc thi góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống hào hùng, tiềm lực, vị thế và uy tín của tỉnh Quảng Ninh qua 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là những thành tựu to lớn, những dấu ấn nổi bật trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, những đóng góp quan trọng của Tỉnh đối với sự phát triển chung của đất nước. Qua đó, củng cố vững chắc và nhân lên niềm tin, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị của mỗi người dân trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
– Cuộc thi phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo; được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động ngành than với những hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm đạt kết quả cao nhất.
II- ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
– Là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh; người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Quảng Ninh.
– Riêng đối với nội dung thi sân khấu hóa chỉ dành cho các đội thi đến từ các huyện, thị xã, thành phố, các đảng bộ trực thuộc tỉnh.
– Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và bộ phận chuyên môn giúp việc cho Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh không được tham gia dự thi.
III- HÌNH THỨC THI
- Đối với thi viết
1.1. Quy định về bài dự thi
– Cá nhân hoặc nhóm tác giả có thể tham gia một hoặc nhiều tác phẩm dự thi với các hình thức khác nhau trong cùng thời điểm. Người đăng ký dự thi phải là cá nhân hoặc đại diện nhóm (nhóm tác giả không quá 05 người).
– Bài dự phải được viết bằng tiếng Việt; có thể viết tay hoặc đánh máy (khuyến khích bài dự thi viết tay) trên giấy khổ A4, cỡ chữ 14, kiểu chữ Times New Roman đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển; không giới hạn số trang và hình ảnh minh họa (nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng về nội dung, xuất xứ của hình ảnh, tư liệu); không chấp nhận bản sao chép dưới mọi hình thức.
– Nội dung bài dự thi phải trả lời đầy đủ câu hỏi do Ban Tổ chức Cuộc thi đề ra theo thứ tự từ câu 1 đến câu 6; hình thức trình bày công phu, sạch, đẹp, khoa học; có ví dụ, hình ảnh minh họa từ thực tiễn. Khuyến khích tác giả sưu tầm hình ảnh, tư liệu, tài liệu, sáng tạo các hình thức trình bày cô đọng, tính thẩm mỹ cao.
– Trang bìa bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”. Các thông tin liên quan đến người dự thi bao gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nghề nghiệp; thành phần dân tộc; tôn giáo; đơn vị học tập hoặc công tác; nơi thường trú; số điện thoại liên hệ (nếu có).
1.2. Thời gian và địa điểm nộp bài dự thi
– Thời gian thi: Bắt đầu từ khi Ban Tổ chức ban hành Thể lệ Cuộc thi đến hết ngày 01/7/2023.
– Bài dự thi gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện và tương đương nơi người dự thi đang sinh sống, học tập và công tác (Địa điểm, phương thức nhận bài dự thi cụ thể do các đảng bộ thuộc tỉnh quy định).
+ Đối với người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Quảng Ninh: Gửi bài dự thi về Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh (Tầng 16, Trụ sở Liên cơ quan số 3, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) để tổng hợp gửi Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chấm sơ khảo.
+ Đối với người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh Quảng Ninh: Gửi bài dự thi về cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi (Ban Dân vận Tỉnh ủy, tầng 5, Trụ sở Liên cơ quan số 4, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
+ Thời hạn nhận bài dự thi chậm nhất đến hết ngày 01/7/2023 (theo dấu bưu điện).
– Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh tổ chức chấm sơ khảo, lựa chọn lập danh sách bài dự thi xuất sắc gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (qua Ban Dân vận Tỉnh ủy) để tổ chức chấm, xét giải cấp tỉnh.
+ Đối với các đảng bộ thành phố, thị xã, Đảng bộ than Quảng Ninh, Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lựa chọn 50 bài gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh.
+ Đối với các đảng bộ còn lại lựa chọn 30 bài gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh.
+ Thời hạn cuối đến hết ngày 31/7/2023 (theo dấu bưu điện).
1.3. Cách chấm điểm
– Bài dự thi được chấm theo thang điểm 100. Trong đó:
+ Bài thi trả lời đủ 6 câu hỏi: Tối đa 90 điểm.
Mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5) trả lời đúng, ngắn gọn, súc tích theo yêu cầu của câu hỏi, có tính thời sự, tư tưởng, giáo dục, nêu gương và có sức lan tỏa cao; không sao chép của người khác; trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng: Tối đa 70 điểm.
Câu 6: Viết đúng, đủ nội dung, ngắn gọn, súc tích, có biểu cảm (khuyến khích các cảm nhận tự sáng tác dưới hình thức văn xuôi hoặc thơ, gắn với kỷ niệm chân thực của bản thân): Tối đa 20 điểm.
+ Hình thức có tính sáng tạo, hình ảnh minh họa làm sáng tỏ nội dung, thể hiện công phu: Tối đa 10 điểm.
– Điểm của một tác phẩm là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo. Khi có số điểm chấm chênh lệch của các thành viên Ban Giám khảo cho một tác phẩm từ 10 điểm trở lên thì các thành viên Ban Giám khảo hội ý thống nhất; nếu không thống nhất được thì báo cáo Trưởng ban Giám khảo và Ban Tổ chức quyết định. Trên cơ sở điểm chấm của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức thống nhất các giải thưởng (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích). Các giải lấy thứ tự từ cao, xuống thấp.
– Những tác phẩm vi phạm về nội dung, hình thức, một số quy định của Thể lệ này không được tính điểm.
1.4. Một số quy định khác
– Người dự thi phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp cho Ban Tổ chức (đặc biệt về tính chính xác trong nội dung thể hiện câu 6).
– Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm pháp lý nếu phát sinh bất cứ vấn đề nào liên quan đến bản quyền được sử dụng trong tác phẩm dự thi. Tác phẩm vi phạm bản quyền sẽ bị loại khỏi cuộc thi hoặc thu hồi giải thưởng (nếu phát hiện sau khi đã trao giải).
– Ban Tổ chức Cuộc thi có toàn quyền sử dụng tác phẩm dự thi để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.
2. Đối với thi trắc nghiệm trên mạng internet
2.1. Cách thức đăng ký dự thi
Thi trực tiếp trên các thiết bị kết nối internet. Thí sinh đăng ký tham gia thi trực tuyến trên website: http://www.baoquangninh.com.vn hoặc website: http://www.quangninh.gov.vn, vào banner Cuộc thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” bằng hình thức trực tuyến. Để được dự thi, thí sinh cần hoàn thành việc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn tại website.
– Thông tin người dự thi đăng ký sẽ là căn cứ để Ban Tổ chức cuộc thi xét và trao giải. Người dự thi chỉ được đăng ký duy nhất 1 tài khoản dự thi.
– Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ không công nhận kết quả đối với người dự thi khi có bất kỳ thông tin đăng ký nào sai lệch với thực tế.
– Người dự thi phải ghi đúng số điện thoại liên lạc vì đây là cơ sở để Ban Tổ chức liên hệ nếu đoạt giải.
2.2. Cách thi, cách tính điểm
– Cuộc thi được tổ chức từ ngày 30/6/2023 đến hết ngày 30/9/2023, chia 3 đợt:
Đợt I: Tổ chức trong thời gian từ ngày 30/6/2023 – 31/7/2023;
Đợt II: Tổ chức trong thời gian từ ngày 31/7/2023 – 31/8/2023;
Đợt III: Tổ chức trong thời gian từ ngày 31/8/2023 – 30/9/2023.
Thời gian thi mỗi đợt được tính từ 10h00’ ngày bắt đầu và kết thúc vào 9h00’ ngày cuối cùng của đợt thi.
– Mỗi đợt thi có 10 câu hỏi. Bài thi chỉ được coi là hợp lệ khi người dự thi trả lời đủ 10 câu hỏi. Người dự thi trả lời 9 câu hỏi trắc nghiệm, về nội dung có liên quan đến tỉnh Quảng Ninh. Tại câu số 10 trong bài thi, người dự thi phải dự đoán tổng số người tham gia đợt thi mình thực hiện bài thi.
– Hệ thống sẽ tự động ghi nhận kết quả và cập nhật trên website. Sau khi hoàn thành người dự thi sẽ biết ngay kết quả và thời gian thực hiện bài thi của mình.
– Trong trường hợp số người dự thi (từ 02 người trở lên) cùng trả lời đúng các câu hỏi, cùng dự đoán chính xác số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian trả lời câu hỏi sớm nhất để trao thưởng cho người thi. Thời gian được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc thi tháng (thời gian tính đến ngày, giờ, phút, giây theo thời gian thi).
– Mỗi người có thể dự thi nhiều lần/đợt, tuy nhiên chỉ được công nhận 01 kết quả đúng nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi.
Sau mỗi đợt thi, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt giải.
3. Đối với thi sân khấu hóa
3.1. Hình thức
Cuộc thi được tổ chức theo 03 cụm: Cụm thi đảng bộ các thị xã, thành phố; Cụm thi đảng bộ các huyện; Cụm thi các đảng bộ trực thuộc tỉnh.
Mỗi huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc được thành lập một đội gồm 7-10 thành viên chính (là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đang sinh hoạt, học tập, công tác tại địa phương, đơn vị).
* Lưu ý: Đối với các đảng bộ trực thuộc có thể tổ chức thi từ cơ sở hoặc lựa chọn đội thi để tham gia cụm thi cấp tỉnh.
3.2. Nội dung: Mỗi đội thi trải qua 3 phần thi:
– Phần thi chào hỏi: Các đội tham gia dự thi có thể dàn dựng hoạt cảnh sân khấu, tiểu phẩm, kịch, hò, vè… để giới thiệu khái quát về đội thi, về địa phương, đơn vị; nêu được nội dung, ý nghĩa của Cuộc thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” (khuyến khích có hình ảnh, video clip minh họa…)
Thời gian: Không quá 05 phút.
– Phần thi hiểu biết: Mỗi đội cử 3 thành viên chính thức tham gia phần thi, gồm 2 nội dung thi:
+ Phần 1: Các đội thi trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm về lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Ninh qua 60 năm xây dựng và phát triển; mỗi câu hỏi có thời gian trả lời là 30 giây, trên hệ thống phần mềm.
+ Phần 2: Bốc thăm trả lời câu hỏi: Ban Tổ chức đưa ra một số chủ đề, lần lượt các đội lựa chọn chủ đề, câu hỏi để trả lời; thời gian cho mỗi đội suy nghĩ để trả lời là 02 phút, sau đó các đội cử người thuyết trình phần thi của đội mình không quá 5 phút.
– Phần thi sân khấu hóa: Mỗi đội dự thi biểu diễn 01 tiểu phẩm có nội dung:
+ Mô tả quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, truyền thống cách mạng, tái hiện không khí xây dựng đất nước, nhấn vào các hình tượng đặc trưng của các địa phương, đơn vị thuộc Quảng Ninh như: Các tấm gương anh hùng cách mạng; các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…; chú trọng thể hiện lịch sử, các nét văn hóa đặc trưng; phương hướng phát triển của tỉnh; những thành tựu nổi bật, những đóng góp quan trọng của địa phương, đơn vị trong 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh (từ 30/10/1963 đến 30/10/2023); có thể giới thiệu thêm về địa phương, đơn vị trước năm 1963, nhưng không quá 10% tổng thời lượng của tiểu phẩm dự thi.
+ Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, quê hương Quảng Ninh; khẳng định niềm tin của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; thể hiện các chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh…
+ Thể hiện văn hóa con người Quảng Ninh “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, thân thiện, văn minh”; truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ Mỏ, người dân Đất Mỏ; khát vọng của đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh “xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”…
Thời gian cho tiểu phẩm của mỗi đội thi không quá 15 phút.
3.3. Quy định về chấm điểm
Tổng điểm của 03 phần thi là 100 điểm. Trong đó:
– Phần chào hỏi: Tối đa 15 điểm.
Yêu cầu: Thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; khuyến khích các đội lựa chọn hình thức thể hiện hấp dẫn, phù hợp với nội dung.
– Phần thi hiểu biết: Tối đa 35 điểm.
+ Nội dung 1: Mỗi câu trả lời đúng được 01 điểm, sai không được điểm (điểm tối đa là 10 điểm).
+ Nội dung 2: Tối đa 25 điểm.
Yêu cầu: Trả lời đầy đủ nội dung câu hỏi; liên hệ sát với thực tế ở địa phương, đơn vị; thuyết trình lưu loát, có sức thuyết phục.
– Phần thi tài năng sân khấu hóa: Tối đa 50 điểm.
Yêu cầu: Kịch bản đáp ứng yêu cầu đã nêu tại phần III mục 3 (Hình thức); cơ cấu chấm điểm cho mỗi tiểu phẩm dự thi như sau: Chất lượng nghệ thuật, dàn dựng, phong cách biểu diễn; nội dung, thông điệp truyền tải; trang phục, đạo cụ biểu diễn; bố cục, kết cấu tiểu phẩm…
* Điểm trừ do quá thời gian quy định trong các phần thi
– Mỗi đội tham gia dự thi phải đảm bảo đúng thời gian quy định, trong trường hợp vượt quá thời gian thi sẽ bị trừ điểm cụ thể như sau:
+ Dưới 01 phút: trừ 1 điểm.
+ Từ 01 đến 02 phút: trừ 2 điểm.
+ Từ 02 đến 03 phút: trừ 3 điểm.
+ Từ 3 phút trở lên: Trừ 50% tổng số điểm của phần thi.
– Điểm của mỗi đội là điểm trung bình của cả 3 phần thi và là, cơ sở để Ban tổ chức xét, trao giải theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp.
3.4. Quy định về trang phục
Trang phục biểu diễn lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; phù hợp với nội dung Chương trình nghệ thuật biểu diễn; trang phục cần chú ý đúng với thời kỳ lịch sử; tác phong, hóa trang khi vào các nhân vật lịch sử nổi tiếng cần chú ý chỉnh chu, phù hợp…
IV- CƠ CẤU VÀ GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG
- Đối với Cuộc thi viết
1.1. Giải tập thể:
– 01 giải Nhất: 30.000.000 đồng.
– 02 giải Nhì, mỗi giải: 20.000.000 đồng.
– 03 giải Ba, mỗi giải: 10.000.000 đồng.
– 07 giải Khuyến khích, mỗi giải: 6.000.000 đồng.
1.2. Giải cá nhân:
– 01 giải Đặc biệt 60.000.000 đồng.
– 02 giải Nhất, mỗi giải: 30.000.000 đồng.
– 10 giải Nhì, mỗi giải: 20.000.000 đồng.
– 20 giải Ba, mỗi giải: 10.000.000 đồng.
– 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 5.000.000 đồng.
– Giải thưởng cho người dự thi lớn tuổi nhất, người dự thi nhỏ tuổi nhất, mỗi giải: 5.000.000 đồng.
2. Đối với thi trắc nghiệm
2.1. Giải tập thể: Kết thúc mỗi đợt thi Ban Tổ chức sẽ trao các giải cho cơ quan, đơn vị có số lượng thí sinh tham gia thi nhiều và đạt giải cao.
– 01 giải Nhất: 10.000.000 đồng.
– 02 giải Nhì, mỗi giải: 6.000.000 đồng.
– 03 giải Ba, mỗi giải: 4.000.000 đồng.
2.2. Giải cá nhân: Kết thúc mỗi đợt thi, Ban Tổ chức sẽ công bố và trao các giải
– 01 giải Nhất: 15.000.000 đồng
– 02 giải Nhì, mỗi giải: 10.000.000 đồng
– 03 giải Ba, mỗi giải: 5.000.000 đồng
– 10 giải Khuyến khích, mỗi giải: 2.000.000 đồng
3. Đối với thi sân khấu hóa
Tại mỗi cụm thi, Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải cho các đội thi gồm:
– 01 giải Nhất: 60.000.000 đồng.
– 01 giải Nhì: 40.000.000 đồng.
– 02 giải Ba, mỗi giải: 20.000.000 đồng.
– Các giải Khuyến khích, mỗi giải: 10.000.000 đồng.
– Ngoài ra Ban Tổ chức sẽ trao một số giải phụ như: Tiểu phẩm xuất sắc nhất, đội đạt giải phong cách, người thuyết trình hay nhất, người dự thi diễn xuất xuất sắc nhất…, mỗi giải 5.000.000 đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, Ban Tổ chức có thể đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi theo quy định hiện hành. Đối với các tác giả không đến dự tổng kết, trao giải sẽ được Ban Tổ chức Cuộc thi chuyển giải thưởng qua cơ quan, đơn vị, địa phương thí sinh tham gia dự thi.
V- GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh là cấp giải quyết cuối cùng các khiếu nại liên quan đến công tác chấm giải, khen thưởng Cuộc thi. Hình thức khiếu nại bằng văn bản. Thời gian gửi khiếu nại chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày kết quả Cuộc thi được công bố, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.
VI- HIỆU LỰC THI HÀNH
Thể lệ Cuộc thi này có hiệu lực kể từ ngày ký và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Thể lệ Cuộc thi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Cuộc thi.
Các tài liệu liên quan:
Phân công nhiệm vụ thành viên ban tổ chức.pdf