Trẻ em chăm sóc cây hoa tại sân chơi
Trẻ em ở phố rất thiếu chỗ chơi
Về thăm thôn Tằng My (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) sẽ không khó để bắt gặp khu vui chơi cho trẻ em do dự án Think Playgrounds vừa khánh thành cách đây ít ngày. Đây đã là sân chơi cho trẻ thứ 243 mà Think Playgrounds thực hiện trên cả nước.
Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập dự án Think Playgrounds, cho biết: “Tôi sinh ra ở quê nhưng 5 tuổi đã lên thành phố sống. Mỗi lần về quê tôi cảm thấy thua kém anh chị em họ khi mọi người trèo cây dễ dàng, còn tôi không thể trèo cao vì sợ. Nếu ngày xưa tôi được chơi nhiều hơn ở quê thì thể chất tôi sẽ tốt hơn bây giờ, bớt đi những nỗi sợ”.
Ngay khi đã trưởng thành, tưởng chừng như không còn nuối tiếc gì đến những khu vui chơi dành cho trẻ em, nhưng trong một lần có người hỏi anh Đạt rằng: “Tôi muốn đến xem một khu vui cho trẻ em ở Hà Nội”, bỗng nhiên anh Đạt mới giật mình biết rằng “đi tìm thật khó”.
Bởi lẽ ở Hà Nội không những đã ít không gian vui chơi dành cho trẻ em mà còn bị chiếm dụng bởi hàng rong, kinh doanh hay bãi đỗ xe. Từ đó anh Đạt đã cùng cộng sự sáng lập ra nhóm thiện nguyện Think Playgrounds và bây giờ đã phát triển thành doanh nghiệp xã hội.
Anh Đạt xác định sứ mệnh của Think Playgrounds là xây dựng thật nhiều sân chơi trong thành phố, mang lại niềm vui cho trẻ em.
Đặc biệt, Think Playgrounds chọn cách tiếp cận riêng. Theo đó Think Playgrounds không phải người trao tặng sân chơi và cư dân, trẻ em trở thành người sở hữu sân chơi, chứ không phải người đi nhận quà.
“Chỉ cần đặt một món đồ chơi nhỏ ở một không gian chưa được định nghĩa là sân chơi thì đã làm thay đổi nhận thức của con người về không gian. Cư dân ở đó vừa thực hiện vừa thụ hưởng, bảo vệ sân chơi”, anh Đạt cho biết.
Sân chơi cho em dưới chân cầu Long Biên do Think Playgrounds thực hiện
Tiếng cười trẻ thơ là nguồn hạnh phúc bất tận
Khi dự án mới thành lập đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng, tuy nhiên cũng có một số ý kiến trái chiều như: Sao không phải là sân chơi ở vùng sâu vùng xa? Hầu hết mọi người đều nghĩ trẻ em ở phố thị rất đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, nhưng trên thực tế trẻ em thành thị rất thiếu sân chơi và sự trải nghiệm. Không chỉ đầy đủ về vật chất mà muốn phát triển toàn diện thì cần đầy đủ về tinh thần.
“Chương trình học cho học sinh bây giờ rất dày đặc thì không gian chơi giúp học sinh thoát khỏi áp lực và trở lại thành một đứa trẻ hồn nhiên, thơ ngây”, anh Đạt cho biết.
Think Playgrounds không chỉ tạo ra sân chơi đơn thuần mà còn truyền tải thông điệp giáo dục về môi trường, thẩm mỹ và văn hóa. Ví dụ như có sân chơi được thiết kế dựa theo truyền thuyết Thánh Gióng với con ngựa và những bước chân khổng lồ. Ngoài ra, từ mọi phế liệu như lốp xe cũ, dây thừng, đồ gồ, các chai lọ… đều có thể thiết kế và chế tác ra những món đồ chơi trong sân chơi.
Một công trình được thực hiện bắt đầu bằng buổi gặp gỡ với cộng đồng dân cư nơi thụ hưởng, trong đó có trẻ em. “Do các em còn nhỏ nên chúng tôi để các em dùng tranh vẽ hoặc đất nặn để các em nặn ra ý muốn của mình, rồi chúng tôi mới thiết kế xây dựng. Mỗi sân chơi lại có một thiết kế riêng cho phù hợp, không có khuôn mẫu nào cố định cả”, anh Đạt cho biết.
Anh Đạt (ngoài cùng bên trái) cùng cộng đồng cư dân lên ý tưởng thiết kế cho một sân chơi
Mỗi sân chơi có khoảng 10 tình nguyện viên thực hiện, chủ yếu là cư dân tại nơi đó, tùy vào từng công trình có thể mất từ nửa tháng đến 2 tháng để thực hiện. Dự án chạm vào nhiều vấn đề cộng đồng và phụ thuộc vào hiện trạng khu đất, mối liên hệ với người dân quyết định rất nhiều tiến trình thực hiện.
Tháng 4-2023, Think Playgrounds còn phối hợp với Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh nghiên cứu, phát triển các thiết kế sân chơi dành riêng cho trẻ em khiếm thị.
Công viên rừng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) là một trong những sân chơi thành công nhất của Think Playgrounds. Hiện nay công viên rất nhiều cây xanh và vườn hoa, trở thành nơi vui chơi giải trí lý tưởng cho cả trẻ em và cộng đồng dân cư.
Mô hình ngựa sắt bằng gỗ trong truyền thuyết Thánh Gióng trong sân chơi
Ông Nguyễn Ngọc Luân – tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Phúc Tân – cho biết: Trước đây khu vực công viên rừng là bãi rác, cây cối um tùm. Khi dự án đến thì có một số người chưa đồng thuận, nhưng sau khi phổ biến thông tin thì tất cả mọi người đồng thuận giao lại khu vực đất để dự án làm sân chơi. Hiện nay các đoàn thể phụ nữ, thanh niên đều tham gia vận hành, chăm sóc và thụ hưởng lợi ích sân chơi mang lại, một không gian thật tuyệt vời.
Em Nguyễn Thái Thùy Dương, phường Phúc Tân, chia sẻ: “Khi con đến sân chơi này, con cảm thấy rất vui, có rất nhiều trò chơi hấp dẫn và có nhiều bạn cùng chơi. Trước chưa có sân chơi này con chỉ ở nhà xem tivi hoặc điện thoại, từ khi có con thường xuyên ra đây chơi các trò ném bóng rổ, bóng đá, bịt mắt bắt dê…”.
“Chỉ từ một chiếc dây thừng, chúng tôi có thể làm ra tấm lưới hoặc trò chơi nhảy dây, kéo co rất bổ ích cho con trẻ. Chúng tôi đã tìm mọi cách để không còn rác và rác không quay trở lại. Không còn rác thì chúng ta có thể nhặt rác, nhưng nếu nhặt rác xong rác vẫn quay lại thì rất đáng tiếc.
Chúng tôi đã thiết kế ra một không gian để người dân yêu nơi mình sống và khi họ yêu nơi mình sống họ sẽ không vứt rác vào chính nơi mình đang sống nữa. Tiếng cười đùa hồn nhiên của các em chính là nguồn hạnh phúc của những người làm dự án, chúng tôi cũng được trở lại tuổi thơ”, anh Đạt cho biết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-thi-tai-tao-xanh-bien-nhung-bai-rac-thanh-san-choi-cho-tre-em-2024070117255003.htm