Bạn bè xung quanh biết tôi là người Việt liền hỏi tôi về món phở, hỏi tôi có biết nấu phở không, hỏi tôi sao mà phở ngon thế, cứ ăn mãi không ngán.
Tôi không biết nấu phở.
Tôi không cảm thấy tự hào về điểm này khi mình là người con Việt Nam.
Tôi đang du học ở nước ngoài. Bạn bè xung quanh biết tôi là người Việt liền hỏi tôi về món phở, hỏi tôi có biết nấu phở không, hỏi tôi sao mà phở ngon thế, chúng nó cứ ăn mãi không ngán.
Chúng tôi đến từ nhiều đất nước khác nhau, quốc tịch khác nhau, lại nhờ có phở mà chúng tôi nói chuyện với nhau, như đã quen từ lâu, như không có ai từng thân thiết với chúng tôi đến thế.
Tôi giới thiệu với họ về Việt Nam. Còn họ giới thiệu với tôi về những quán phở ngon ở đây. Tôi chỉ mới đến đây được vài tháng, chưa kịp ăn hết các quán phở nơi đây.
“Phở là sự tao nhã. Nước dùng trong vắt mà ngọt tự nhiên. Một sự hài hòa hoàn hảo, giống như những món ăn tinh túy của ẩm thực Pháp tụi này vậy!”.
“Phở ngon như borscht của tớ! Nước dùng đậm đà, ấm áp, ăn vào là cảm thấy khỏe khoắn hơn ngay!”.
“Nước dùng thanh thoát, giống như ramen nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều. Ngon tuyệt!”.
“Phở hợp khẩu vị người Hàn lắm. Ở đây tụi này có thể ăn phở ba bữa một ngày luôn”.
“Ở Trung có nhiều món mì lắm, nhưng phở khác hoàn toàn. Tớ chẳng biết diễn tả sao nữa, nhưng đúng là ngon đỉnh luôn”.
“Chứ sao nữa! Phở là niềm tự hào của ẩm thực Việt Nam chúng tớ đấy. Nước dùng thanh mà ngọt tự nhiên từ xương hầm, không phải chỉ có gia vị tạo nên đâu. Phở không chỉ là một món ăn, mà còn là văn hóa, là kỷ niệm của bao người Việt đó”.
Chúng tôi cùng nhau đi ăn phở. Trong quán Việt Nam có rất nhiều món ngon khác, nhưng chúng tôi gọi phở. Không phải những món khác không ngon, mà phở như là một dấu ấn đặc biệt gắn kết những con người khác biệt về mọi thứ là chúng tôi, được gặp nhau và đến với nhau.
Tôi vẫn không biết nấu phở.
Tôi từng thử nấu ở nhà mình. Tôi muốn cho các bạn thấy tôi là người Việt Nam, tôi cũng nấu được phở.
Sự thật chứng minh rằng không phải người Việt Nam nào cũng nấu được phở.
Tôi tham khảo công thức trên mạng, rồi lại gọi điện về nhà hỏi mẹ. Mẹ bảo nấu phở phải kiên nhẫn. Xương phải rửa sạch, trụng sơ rồi ninh từ bốn đến sáu tiếng, sau đó cho thêm các loại đinh hương, quế, hồi vào rồi lại nấu thêm một tiếng. Sau đó thêm gia vị vào là xong. Thế là có ngay một bát phở.
Phở nào chứ cái thứ trong bát của tôi chẳng thể gọi là “phở” được.
Chẳng biết sai ở bước nào, nhìn bề ngoài thì cũng giống đấy, nhưng vị của nó chẳng giống chút nào.
Bạn tôi mặt méo xệch, vừa ăn vừa vờ khen ngon, đoạn nói chắc là cậu xa Việt Nam lâu quá, tinh hoa nước Việt bay hết rồi.
Bậy nào, tôi là người Việt Nam. Trong tim tôi là người Việt Nam. Máu thịt tôi là người Việt Nam. Không biết nấu phở không chứng minh tôi không còn là người Việt Nam.
Có lẽ là tôi đã vội vàng muốn nấu thật nhanh để ăn, hoặc là vì tôi không dùng đúng nguyên liệu. Bởi vì ở nước ngoài không đủ hết các thứ nguyên liệu cần thiết để nấu phở, nên những thứ không có, tôi thay bằng thứ tương tự.
Người Việt Nam có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Một lần thất bại này của tôi sẽ tạo nên thành công mai sau. Nhất định sau này tôi sẽ nấu được món phở ngon nhất, để chúng bạn khắp năm châu phải trầm trồ trước ẩm thực Việt Nam.
Còn bây giờ thì, chúng tôi đi ăn phở thôi.
Cuộc thi viết Phở Việt trong mắt tôi
Nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam thuộc chương trình “Ngày của phở” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, cuộc thi viết “Phở Việt trong mắt tôi” được phát động nhân sự kiện Vietnam Phở Festival 2024, diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 5, 6-10 vừa qua.
Cuộc thi dành cho du học sinh Việt Nam, sinh viên Hàn Quốc đang học tập trong các trường đại học tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc; là nơi để họ chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về phở, những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam hoặc Hàn Quốc gắn liền với món phở, kỷ niệm về một nhân vật có thật, gắn bó hoặc có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Những bài viết hay, ấn tượng có cơ hội nhận giải:
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 5.000.000 đồng.
3 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt like cao nhất trên Tuổi Trẻ Online): Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải cho người có nhiều bài dự thi nhất: Trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức nhận bài dự thi trước 7-10-2024, dự kiến công bố giải vào ngày 12-12-2024.
Ngày của Phở 12-12 là chương trình do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và liên tục tổ chức từ năm 2017 đến nay. Từ năm 2018, ngày 12-12 chính thức được xác lập là “Ngày của phở Việt Nam”.
Hiện “Ngày của phở” đã trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực thường niên quan trọng, góp phần nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ món phở nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung ra khắp thế giới.
Trong “Ngày của phở”, rất nhiều hoạt động được tổ chức như: cuộc thi Ký ức về phở; Hiến kế phát triển Ngày của phở; Triển lãm phở và Hành trình trở về phở xưa; Bình chọn những quán phở được ưa thích nhất hay cuộc thi ảnh và viết Phở trong tôi…
Đặc biệt cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon với danh hiệu Hoa hồi vàng thu hút nhiều đầu bếp trẻ tham gia và đoạt giải. Nhiều tổ chức, đơn vị, quán phở nổi tiếng ở khắp cả nước đã cùng hưởng ứng, đồng hành quảng bá cùng Ngày của phở 12-12 trong suốt 7 năm qua.
Vui được nấu phở ngon ở Hàn Quốc
Ông Hà Đình Kiên – bếp phó Nhà hàng Sân golf Thủ Đức (TP.HCM) tại sự kiện Vietnam Phở Festival 2024 ở Seoul, Hàn Quốc
“Rất vui và tự hào” là cảm giác của ông Hà Đình Kiên – bếp phó Nhà hàng Sân golf Thủ Đức (TP.HCM) – sau khi trở về từ sự kiện Vietnam Phở Festival 2024 ở Seoul, Hàn Quốc.
“Vui vì mình đã mang được văn hóa, ẩm thực Việt Nam truyền bá đến Hàn Quốc và bạn bè quốc tế. Tôi cũng rất cảm động khi thấy người dân ở Seoul xếp hàng dài trong trật tự chờ được thưởng thức những tô phở Việt Nam.
Để mang được những tô phở thơm ngon đến với người dân Hàn Quốc và du khách quốc tế, đội bếp đã vượt qua nhiều khó khăn, từ nguồn nguyên vật liệu, điều kiện chế biến đến vận chuyển ra nơi tổ chức sự kiện…
Thâu đêm nấu phở ai cũng mệt phờ, nhưng nhìn thấy sự đón nhận của người dân và du khách, mọi mệt nhọc tan biến. Thật hạnh phúc khi có cơ hội mang những hương vị tinh túy nhất của phở đến với bạn bè quốc tế, để thông qua phở họ sẽ hiểu hơn về ẩm thực và văn hóa của Việt Nam mình”, ông chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-thi-pho-viet-trong-mat-toi-pho-la-tinh-ban-20241122110744462.htm