Đối với các chuyên gia đang tìm hiểu sâu hơn về năng lực quân sự của Iran và những thay đổi tiềm tàng trong chiến lược của nước này, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn mục tiêu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả của bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai.
“Người Iran có thể mang thêm nhiều năng lực vào cuộc chiến. Tuy nhiên, thay đổi chiến lược lớn sẽ xảy ra nếu họ quyết định chọn các mục tiêu khác và chuyển từ tấn công sân bay và trung tâm tình báo sang tấn công các thành phố”, ông Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói với TRT World hôm 5/10.
“Iran đã đầu tư vào việc phát triển tên lửa đạn đạo trong gần 3 thập kỷ để bù đắp cho việc thiếu hụt một lực lượng không quân “đủ tầm” để đối đầu với các đối thủ vượt trội về mặt công nghệ như Mỹ và Israel”, ông Hinz cho biết.
Sau cuộc tấn công vào ngày 1/10, một số lượng lớn tên lửa của Iran đã vượt qua được hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel.
Hình ảnh vệ tinh được công khai cho thấy một số đợt tấn công của Iran vào Căn cứ không quân Nevatim của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã xác nhận rằng một số căn cứ của nhánh Không quân của họ (IAF) đã bị hư hại trong cuộc tấn công, liên quan đến hơn 180 tên lửa đạn đạo.
“Mức độ thiệt hại gây ra có vẻ khá hạn chế do độ chính xác của tên lửa tấn công”, ông Hinz lưu ý.
Mặc dù một số thiệt hại đã xảy ra tại Căn cứ không quân Nevatim của Israel, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sẵn sàng hoạt động của IAF.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel bao gồm nhiều lớp, với Iron Dome, David’s Sling và Arrow-2 và Arrow-3 để chống lại các mối đe dọa tên lửa khác nhau”, ông Hinz, người cũng chuyên về phân tích không gian địa lý, cho biết.
Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Trong một cuộc tấn công có số lượng lớn tên lửa được phóng cùng lúc, các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể không đối phó hiệu quả được với thách thức này”.
Khi Iran tìm cách áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel thông qua số lượng lớn tên lửa và những quả tên lửa với thiết kế tiên tiến, rủi ro sẽ tăng lên. Lần tới có thể là một chuỗi các cuộc tấn công kéo dài, nhưng câu hỏi lớn hơn vẫn còn: Liệu khi đó Israel có thể giữ vững được phòng tuyến không?
Cuộc tấn công gần đây cho thấy năng lực tên lửa tầm ngắn đáng gờm của Iran. “Các tên lửa tầm ngắn của Iran đã được chứng minh là khá chính xác”, ông Hinz nói, trái ngược với hiệu suất của các tên lửa tầm xa của nước này.
Đồng thời, “các cuộc tấn công tầm xa của Iran vào Israel đã được chứng minh là kém chính xác hơn”, ông nói thêm, chỉ ra những thách thức về mặt kỹ thuật trong việc đạt được độ chính xác ở khoảng cách xa hoặc các biện pháp đối phó của Israel được thiết kế để phá vỡ các hệ thống dẫn đường tên lửa.
Minh Đức (Theo TRT World)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-tan-cong-vao-israel-he-lo-nang-luc-ten-lua-tam-ngan-dang-gom-cua-iran-204241006153259662.htm