Từng bước vượt qua nỗi đau
Ngồi đâu, ông cũng khóc, kể cả lúc ăn cơm.
Mỗi đêm, giấc ngủ của bà Yên không trọn vẹn, chợp mắt 2-3 tiếng lại tỉnh dậy, có đêm thức trắng, lòng thương nhớ gia đình con gái út.
Chưa thể ổn định tinh thần sau biến cố, người phụ nữ sống nhờ điện thoại thông minh, nghe chương trình kể chuyện đêm khuya, cố ép bản thân chìm vào giấc ngủ. Khi thiết bị hết pin, trả lại không gian tĩnh mịch, để mình bà với nỗi đau.
Bà Yên nói, một đứa trẻ mất đi cha mẹ thì người ta gọi là trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ gọi là góa, phụ nữ mất chồng gọi là quả phụ, nhưng không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con, cháu. Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó.
Năm 2015, vợ chồng ông Điền mua căn hộ tại tầng 5, giá 660 triệu đồng, ngay khi chung cư mini Khương Hạ được rao bán. Là những người đầu tiên sống tại đây, có trách nhiệm và nhiệt tình, ông bà và một cặp vợ chồng lớn tuổi khác được cư dân tín nhiệm bầu làm bảo vệ.
Do chị T. làm đầu bếp ở Phú Thọ, chồng là nhân viên công ty, nên hai con N.H.A. (15 tuổi, THPT Hoàng Mai) và N.A.Đ. (11 tuổi, THCS Khương Đình) sống cùng ông bà ngoại nhiều năm nay. Hàng ngày, bà Yên đều đưa đón các cháu đi học.
Cách đây không lâu, vợ chồng chị T. chuyển về Hà Nội sống cùng bố mẹ. Họ tính thuê căn hộ tại ngõ đối diện để gần bố mẹ và 2 con, dự định chuyển vào ngày 1/9. Tuy nhiên, chủ nhà báo chưa có nhà cho thuê nên cả nhà chị T. vẫn sống với bố mẹ trong chung cư mini, không ngờ lại gặp tai họa.
Khoảng 23h ngày 12/9, ông Điền đang trực bảo vệ tại chung cư, thì phát hiện bảng điện ở tầng một bốc cháy. Lửa nhỏ, ông vác bình cứu hỏa đến dập lửa, nhưng “càng xịt càng cháy to”.
Ông vội hô hoán vợ rồi báo động toàn bộ cư dân. Thời điểm đó, tòa chung cư 9 tầng và một tum, rộng khoảng 200m2, chia làm 40 căn hộ cho thuê và bán lại, đã tắt gần hết đèn. Đa số cư dân đã đi ngủ, một số thanh niên từ các tầng nghe tiếng chuông báo cháy vội chạy xuống dưới.
Bà Yên chạy ngược lên trên, hô hoán “cháy”, mang theo bộ dụng cụ chuyên dụng xuống tầng một. Bà cùng chồng và hàng xóm sử dụng 10 bình cứu hỏa, liên tục dập lửa nhưng bất thành.
Hàng loạt xe máy ở tầng một bắt đầu bén lửa, phát ra tiếng nổ bồm bộp. Nam bảo vệ dập cầu dao điện, nhưng khói lửa đã nhanh chóng bao trùm tầng một rồi lan lên các tầng trên.
Bà Yên muốn lên tầng 5 gọi vợ chồng con gái và hai cháu ngoại, nhưng đến tầng 3, một cư dân chặn bà lại, nói “mọi người đã biết rồi”. Trong tình thế hoảng loạn, bà cùng dòng người chạy xuống dưới thoát nạn.
Các gia đình tầng một, tầng hai vội thoát ra ngoài an toàn, những người còn lại ở tầng trên, trong đó có gia đình con gái ông Điền, đồng loạt chạy lên tầng thượng nhưng cửa đã bị khóa chặt. Lối thang bộ chật kín người.
Sáng hôm sau, gia đình chia người đến 8 bệnh viện khắp Hà Nội tìm kiếm vợ chồng chị T. và hai con, nhưng bặt vô âm tín. Chiều cùng ngày, di ảnh của họ được nhân viên Nhà tang lễ Bệnh viện 103 thông báo tìm người thân.
“Tôi ân hận và day dứt vì không cứu được con cháu”, bà Yên òa khóc.
Từ ngày chuyển đến sống nhờ nhà anh trai, vợ chồng bà Yên gắng gượng qua ngày. Mất ngủ triền miên khiến bà giảm 2kg, còn ông Điền sụt 5kg. Lo lắng sức khỏe và tinh thần của bố mẹ, người con gái cả Ngô Lệ Huyền (33 tuổi) chuyển đến sống cùng để lo toan mọi việc.
Ngày 7/11, cặp vợ chồng già nhận khoản tiền trong số 132 tỷ đồng ủng hộ khi Mặt trận Tổ Quốc quận Thanh Xuân phân bổ. Biết không thể ở nhờ mãi, ông bà bàn bạc và mua lại một căn tập thể cũ cùng tầng với nhà anh trai để tiện sinh sống.
Căn nhà rộng khoảng 25m2, gồm một phòng ngủ và một phòng khách, tổng chi phí mua và sửa chữa hơn một tỷ đồng.
Mỗi sáng, hai vợ chồng dìu nhau tập thể dục. Ông Điền đạp xe nửa tiếng, còn vợ đi bộ, mong cải thiện tinh thần và sức khỏe.
Di chứng sau vụ hỏa hoạn khiến ông bà không thể làm việc, “cũng chẳng ai thuê chúng tôi nữa”. Cánh tay có 7 chiếc đinh vít bên trong – hệ quả của vụ tai nạn cách đây 10 năm, khiến bà Yên chẳng thể làm bất cứ việc gì, kể cả rửa bát hay chăm trẻ. Họ tính dành dụm khoản tiền trợ cấp còn lại để gửi tiết kiệm, phòng lúc ốm đau, bệnh tật.
Ngày mở cửa vào nhà mới, đôi mắt bà Yên sáng bừng, còn ông Điền vẫn trầm ngâm nhìn xa xăm. Bà mong cuộc sống hai vợ chồng sớm ổn định, coi như một khởi đầu mới, nhưng nỗi đau thì chưa biết đến bao giờ mới có thể quên.
“Món nợ ân tình của các mạnh thường quân vợ chồng tôi chẳng biết bao giờ mới trả hết”, bà nói.
Điều thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình
Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ đã vô tình đẩy em Lê Tâm N. (13 tuổi) vào cảnh mồ côi. Bé gái là thành viên duy nhất trong gia đình 4 người sống sót, nhờ được hàng xóm kéo vào nhà trú ẩn.
Sau cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, em được người thân đón về quê Đan Phượng chịu tang bố mẹ và em trai.
Biến cố qua đi, Tâm N. quay lại với trường lớp, chuyển đến sống cùng gia đình bác ruột Bùi Nguyên Diễn (anh trai của mẹ) ở quận Thanh Xuân.
Vợ chồng anh Diễn được ông bà hai bên nội, ngoại giao nhiệm vụ giám hộ, chăm sóc cháu N. Anh thừa nhận khó khăn lớn nhất là nuôi dạy cháu gái đúng cách, vừa mềm mại, song vừa phải cứng rắn.
Ngôi nhà cách trường THCS Khương Đình 1km, thuận tiện cho N. đi học mỗi ngày. Cuộc sống của em cũng dần ổn định, cố quên nỗi đau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có người đến nhà hỏi thăm, N. lại bị những ký ức đau thương giày vò.
“Gia đình đã nhận đủ khoản trợ cấp, dự định làm sổ tiết kiệm riêng cho cháu. Trước mắt, việc của chúng tôi là cùng nhau tạo dựng một mái ấm, một gia đình yêu thương cho con”, anh Diễn nói, điều mà N. thiếu thốn nhất chính là tình cảm gia đình.
Người cứu bé N. khỏi “cơn giận dữ của hỏa thần” đêm 12/9 là anh Vũ Việt Hùng (40 tuổi) sống tại phòng 702. Khi N. kiệt sức, dựa người vào cửa nhà, anh đã kéo bé vào trong, dùng chăn tẩm nước nhét vào các khe cửa, đồng thời dồn mọi người tránh xa hành lang, ngồi sát cửa sổ đã mở sẵn.
Anh liên tục quạt khói ra bên ngoài, trong khi các thành viên trùm chăn ướt lên đầu để ngăn hít phải khói. Nhận thấy có tín hiệu của lực lượng phòng cháy chữa cháy, anh dùng đèn pin ra dấu, liên tục hét lớn: “Phòng 702 có người!”.
Hơn 2h ngày 13/9, vòi nước của xe cứu hỏa phun đến cửa sổ căn hộ 702, họ vỡ òa trong hạnh phúc, được lực lượng cứu hộ dẫn xuống theo cầu thang bộ, đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện.
Sau 10 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, gia đình 5 người của anh Hùng được xuất viện, chuyển đến sống nhờ nhà ông bà ngoại ở Khương Hạ.
“Với chúng tôi, vụ cháy chung cư là biến cố, là cú sốc lớn, xảy ra quá bất ngờ, với sự mất mát của nhiều gia đình. Nhà tôi vẫn còn đủ người là quá may mắn”, anh Hùng nói.
Nhận tiền trợ cấp từ các mạnh thường quân do Mặt trận Tổ Quốc quận Thanh Xuân phân bổ, người đàn ông nói không vội tính đến chuyện mua nhà, mà dành chữa bệnh cho gia đình, dự kiến kéo dài một năm, đến khi lượng khí độc trên người mất hết.
“Hàng tháng, chúng tôi vẫn tái khám định kỳ bởi sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn”, anh Hùng nói, cho biết vừa quay lại công việc gần một tháng, chưa thể bắt kịp guồng quay. Vợ anh cũng đã đi làm trở lại, các con đến trường hòa nhập cùng bạn bè.
Tuy nhiên, cuộc sống chưa thể như trước đây.
“Hoàn cảnh sẽ không ai có thể lựa chọn. Chúng tôi sẽ tập thay đổi lối sống, dạy các con thêm nhiều kỹ năng, xử lý các tình huống có thể gặp phải trong cuộc sống”, anh Hùng nói.
Sống để trả ơn cuộc đời
Trong đêm định mệnh, chị Lê Thị Thời (41 tuổi) cùng con trai Trần Đại Phong (17 tuổi) đã quyết định nhảy khỏi chung cư từ tầng 9 xuống sân thượng tầng 6 nhà hàng xóm. Cú nhảy “đặt cược tính mạng” đã cứu sống hai mẹ con khi họ nhận thấy khó có thể trông chờ vào phép màu.
Phong kể, đêm 12/9 khi em đang học bài ở phòng khách thì bất ngờ thấy khói ở hành lang, vội chạy vào phòng ngủ gọi mẹ.
Căn hộ 901 nằm ở trục dọc cầu thang nên hút khói nhanh. Cột khói đen bốc lên cuồn cuộn, hai mẹ con đóng kín cửa chính, tắt cầu giao điện, khóa van bình gas, dùng chăn và chiếu bịt kín khe hở. Khói tiếp tục tràn vào, bao trùm toàn bộ căn nhà, lô gia phơi quần áo là chỗ trú ngụ cuối cùng của họ.
Chị Thời nhớ lại những ngày đứng phơi quần áo, chị hay nhìn xuống sân thượng nhà bên, dự liệu cách thoát hiểm nếu gặp bất trắc. Một thanh ngang bằng inox của chuồng cọp bị gỉ sét, hơi bung ra. Đôi lần, chị đã thử chui đầu ra ngoài theo lỗ hổng ấy.
Hai mẹ con dùng dao vừa gõ vào lan can kêu cứu, vừa cậy chuồng cọp tạo lối thoát hiểm. Xung quanh không có tín hiệu, mặt đằng sau tòa nhà im phăng phắc, chỉ có ánh lửa lóe lên.
Chị Thời chui ra khỏi lan can, đứng sát mép bờ tường, bật đèn từ điện thoại nhìn xuống bên dưới. Ba giây đầu, chị nhìn thấy khung cảnh mờ mờ, lúc sau khói đen che khuất tầm nhìn.
Trước khi nhảy, chị quay sang dặn con trai: “Mẹ nhảy trước, con tiếp theo sau. Đừng sợ hãi!”.
Dứt lời, người phụ nữ nhảy xuống, lịm đi. Đại Phong sợ hãi, chần chừ mấy giây, rồi nhảy theo mẹ. Cậu lết được vài bước để kêu cứu, mất dần ý thức khi lực lượng cứu hộ tiếp cận.
Người phụ nữ bị chấn thương ngực, gãy cột sống, vỡ lồng ngực, vỡ xương chậu và nhiều vết thương khác. Chị trải qua hai ca đại phẫu, hôn mê hai ngày liên tiếp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Con trai bị dập gót chân, tổn thương xương chậu… điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.
Những ngày đầu trong bệnh viện, chị Thời chịu những cơn đau hành hạ thể xác. Chị xin bác sĩ dùng thuốc giảm đau mạnh hoặc thậm chí gây mê để quên nỗi đau nhưng không được.
Những lúc đau đớn, chị nhớ lại hoàn cảnh bản thân. Là mẹ đơn thân, mọi việc trong nhà từ thay vòi nước, sửa bóng đèn, đến thay cánh quạt, đều một mình chị lo liệu. Bươn chải từ quê Thường Tín lên Hà Nội, chị đã quen dần với những thử thách của cuộc sống.
Lần này, chị cũng không được phép gục ngã.
Nghĩ đến con trai đang nằm viện, mẹ già gần 70 tuổi làm động lực, người phụ nữ trấn an bản thân, tập vận động phục hồi dù trước đó bác sĩ tiên lượng “nguy kịch, liệt hoàn toàn hai chân”.
“Đồng nghiệp nói tôi hay cười, sống lạc quan, nhưng đôi khi tôi giấu nỗi buồn vào trong”, chị nhớ lại ngày biết phải mổ lại cánh tay, đã ngồi ngoài cửa phòng khám khóc nức nở.
Gần hai tháng sau vụ cháy, mẹ con chị Thời tập ngồi, đi lại như đứa trẻ. Cánh tay phải đầy băng gạc che đi vết sẹo dài sau hai lần mổ cố định ba đoạn xương gãy. Nhờ chiếc đai cố định đốt sống lưng, chị ngồi vững, đi lại được một đoạn. Mỗi lần nằm xuống, vùng xương chậu đau nhức, khiến giấc ngủ của chị không trọn vẹn.
Chị nghỉ việc kế toán, thuê trọ cách trường THPT Hồ Tùng Mậu khoảng 400m để con trai hoàn thành năm cuối phổ thông. Đại Phong trở lại trường học giữa tháng 10 trên chiếc xe lăn và đôi nạng. Nhà trường đã đổi lớp học từ tầng hai xuống tầng một để học sinh tiện di chuyển.
Phong được bố trí một chiếc bàn nhỏ, gối để kê chân bị thương, một chiếc gối khác để kê đầu khi mệt. Vì sức khỏe còn yếu, em chỉ ngồi học được khoảng hai tiết đầu, các tiết sau nhà trường cho phép em nằm xuống ghế nghe giảng.
Chàng trai 17 tuổi kể những ngày đầu tập đi, sức nặng từ cơ thể dồn xuống vùng xương chậu, bàn chân chấn thương khiến em đau đớn bật khóc.
“Lúc đó em buồn và chán nản. Nhưng khi nhận được những lời động viên của mẹ và bạn học, em lại đứng lên bước tiếp”, Phong nói ước mơ trở thành lập trình viên, nhưng sau biến cố em đang suy nghĩ lại.
Mỗi sáng, Phong được bà ngoại đẩy xe lăn đưa tới trường, đến trưa về nhà, nghỉ buổi chiều. Chị Thời ở nhà làm một số việc lặt vặt, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ đẻ Đào Thị Thành.
Ngày 5/11, mẹ con chị Thời nhận khoản tiền ủng hộ của mạnh thường quân, coi như “món nợ ân tình cuộc đời”. Chị dành ra khoản tiền chữa bệnh lâu dài, số còn lại để tìm mua căn nhà mới.
Người mẹ không mong con trai học giỏi hay trở thành người xuất chúng. Chị dặn con nhớ đây là biến cố lớn trong cuộc đời, mong Phong trưởng thành sẽ đáp lại tình cảm của mọi người, truyền lửa cho thế hệ sau.
“Mình nhận lòng tốt của người khác, thì đem lòng tốt đó chia cho những người khó khăn hơn”, chị quay sang nói với Đại Phong.
Người phụ nữ từng trải, vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi 41, lạc quan nói rằng cuộc sống sau này của hai mẹ con sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng “được sống đã là một điều may mắn”.