(MPI) – Ngày 03/01/2025, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác liên Bộ (Tổ 1317) nhằm thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2024 và năm 2024; các giải pháp đã triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; những vấn đề nổi lên cần quan tâm trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và dự báo triển vọng cũng như đề xuất các giải pháp, chính sách điều hành vĩ mô năm 2025.
Tham dự cuộc họp có thành viên của Tổ là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ, ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Theo dự thảo báo cáo được trình bày tại cuộc họp nhấn mạnh vào các nội dung liên quan đến bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2024, bối cảnh thế giới, các chính sách tiền tệ tại một số quốc gia; thương mại hàng hóa toàn cầu; tình hình kinh tế vĩ mô trong nước quý IV/2024 và năm 2024, trong đó đánh giá về tình hình lạm phát, sản xuất công nghiệp, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; thu NSNN; đầu tư công; dịch vụ, thương mại; xuất, nhập khẩu; cán cân thương mại; tình hình FDI; đăng ký kinh doanh;… Từ đó đưa ra triển vọng thế giới và trong nước thời gian tới.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo báo cáo cũng như những dự báo về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội và các điểm sáng kinh tế của năm 2024. Các ý kiến đều cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021-2025, thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030.
Các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế. Thiên tai, bão lũ, hạn hán, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, tác động nặng nề đến nhiều quốc gia; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng… ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao nội dung dự thảo báo cáo của Tổ, đưa ra bức tranh kinh tế của năm 2024 cũng như những tồn tại, hạn chế và dự báo bối cảnh của năm 2025 với những kiến nghị, giải pháp cụ thể. Đồng thời thông tin về điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất tín dụng tỷ giá và các hoạt động ngân hàng quý IV/2024 và cả năm 2024; các giải pháp đã triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; khó khăn, thách thức và dự báo năm 2025.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành liên quan cũng đã thông tin về tình hình thu-chi ngân sách nhà nước, tình hình sản xuất công nghiệp, xuất-nhập khẩu, tình hình thị trường chứng khoán,…của quý IV/2024 và năm 2024. Đồng thời nhấn mạnh đến triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025; kiến nghị các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô năm 2025 liên quan đến cải cách thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các chính sách tài khóa; phát triển hạ tầng; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế;…
Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao tinh thần làm việc cũng như các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời khẳng định, trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-3/Cuoc-hop-To-cong-tac-lien-Bo-de-thao-luan-ve-tinh-gcbigu.aspx