Nội dung phiên thảo luận tập trung vào tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với ANLT toàn cầu. Tháng trước, Nga đã rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận quan trọng do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giúp khai thông hành lang xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga và Ukraine ra thế giới. LHQ nhận định, sự sụp đổ của thỏa thuận này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ANLT của nhiều quốc gia có thu nhập thấp vốn đang phải vật lộn với nạn đói và khủng hoảng kinh tế.
Trong một năm thực hiện, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã tác động tích cực đến thị trường toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo thỏa thuận, giúp giá lương thực thế giới giảm khoảng 20%.
Cùng với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là một thỏa thuận 3 năm giữa LHQ và Nga được thiết kế để hợp lý hóa xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Nga từ lâu đã phàn nàn rằng những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm gây ra rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này.
Những nỗ lực của các quan chức LHQ nhằm khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho đến nay đã không thành công. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận này ngay khi phương Tây đáp ứng các nghĩa vụ liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Đáp lại tín hiệu từ phía Nga, trong phiên thảo luận ngày 3-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Mỹ bảo đảm rằng tất cả các bên, bao gồm cả Nga, sẽ có thể xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn một khi thỏa thuận được khôi phục.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về “Nạn đói và mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của xung đột”, New York, ngày 3-8. Ảnh: Tân Hoa xã |
Trên thực tế, cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chỉ là hai trong số nhiều yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu kéo dài. Trước tình trạng leo thang giá cả và nhu cầu lương thực gia tăng, nhiều quốc gia đã quyết định hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nhằm bảo đảm ANLT trong nước.
Bên cạnh đó, sự gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, bão lũ… làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp, tác động tiêu cực tới sản lượng nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Báo cáo thường niên về ANLT của FAO mới đây tiết lộ, thế giới tiếp tục vật lộn với những hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Năm 2022 chứng kiến khoảng 700 triệu người lâm vào nạn đói, tăng 122 triệu người so với trước đại dịch, trong đó các quốc gia ở châu Phi, Caribe và Tây Á đang trải qua mức độ đói nghèo gia tăng đáng báo động nhất.
Trong một diễn biến có liên quan, phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ cho biết, HĐBA cần đóng vai trò hiệu quả hơn trong giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, qua đó giảm thiểu rủi ro mất ANLT, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ hơn với những cơ quan chuyên môn và các đối tác quốc tế để giải quyết nạn đói ở những khu vực xung đột, hợp tác với các tổ chức khu vực để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống lương thực và bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho ANLT toàn cầu thông qua duy trì xuất khẩu gạo và các nông sản khác một cách ổn định; sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất ANLT do tác động của xung đột.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/cuoc-hop-cua-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-an-ninh-luong-thuc-la-trong-tam-nghi-su-737387