Các cơ quan bỏ phiếu dự đoán Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen lần đầu tiên có cơ hội tốt để giành được đa số ở Hạ viện, nhưng kết quả vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh hệ thống bầu cử phức tạp.
Trong vòng đầu tiên hôm 30/6, Đảng RN dẫn trước với khoảng 1/3 số phiếu bầu. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đứng ở vị trí thứ hai, xếp trên cả liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron.
Bầu cử ở Pháp hoạt động như thế nào?
Cuộc bầu cử 577 ghế trong Quốc hội Pháp được tiến hành qua hai vòng. Ở những đơn vị bầu cử không có ứng cử viên nào giành chiến thắng ngay trong vòng đầu tiên, hai ứng cử viên đứng đầu, cũng như bất kỳ ứng cử viên nào chiếm hơn 12,5% tổng số cử tri đã đăng ký tại đơn vị bầu cử đó, sẽ bước vào vòng thứ hai.
Người nào có số phiếu bầu cao nhất ở vòng thứ hai sẽ thắng cử ở khu vực đó. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao vào 30/6 có nghĩa là khoảng 300 khu vực bầu cử hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bầu cử ba bên, về lý thuyết là có lợi cho RN.
Để ngăn chặn cuộc bầu cử ba bên này và ngăn chặn RN, các chính trị gia trung hữu và trung tả của Pháp từ lâu đã áp dụng cái mà họ gọi là “mặt trận cộng hòa”, theo đó ứng cử viên về thứ ba sẽ rút khỏi cuộc đua và kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên về thứ hai.
Đến tối 2/7, tất cả các ứng cử viên lọt vào vòng hai sẽ phải quyết định nên rút lui hay chạy vòng hai.
“Chung sống” là gì?
Nếu Đảng Mặt trận Quốc gia hoặc lực lượng chính trị khác ngoài liên minh trung dung của Tổng thống Macron chiếm đa số, ông sẽ buộc phải bổ nhiệm một Thủ tướng thuộc đa số mới đó.
Trong tình huống như vậy – được gọi là “chung sống” ở Pháp – chính phủ sẽ thực hiện các chính sách khác với kế hoạch của Tổng thống.
Trước đây, Pháp từng trải qua tổng cộng 3 thời kỳ “chung sống” kể từ khi thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa vào năm 1958, khi Tổng thống và Thủ tướng đến từ các đảng phái chính trị khác nhau.
Trong kịch bản này, Tổng thống vẫn giữ vai trò lãnh đạo về quốc phòng với tư cách là Tổng tư lệnh và về chính sách đối ngoại, nhưng sẽ không có quyền thiết lập chính sách đối nội.
Lãnh đạo cực hữu Jordan Bardella, người có thể trở thành Thủ tướng nếu đảng của ông giành được đa số ghế, cho biết ông dự định “trở thành một Thủ tướng chung sống, tôn trọng Hiến pháp và vai trò của Tổng thống Cộng hòa nhưng không khoan nhượng về các chính sách”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không có đa số?
Khi đó, Tổng thống có thể bổ nhiệm Thủ tướng từ nhóm nghị viện có nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Tuy nhiên, đảng RN nói rằng họ sẽ bác bỏ một lựa chọn như vậy, bởi vì điều đó có nghĩa là một chính phủ cực hữu có thể sớm bị lật đổ thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu các đảng chính trị khác tham gia cùng nhau.
Tổng thống có thể cố gắng xây dựng một liên minh rộng rãi từ cánh tả sang cánh hữu, một lựa chọn nghe có vẻ khó xảy ra, xét đến sự khác biệt về chính trị.
Các chuyên gia cho rằng một lựa chọn phức tạp khác là bổ nhiệm “một chính phủ gồm các chuyên gia” không liên kết với các đảng phái chính trị nhưng vẫn cần phải được đa số tại Quốc hội chấp nhận. Một chính phủ như vậy có thể sẽ chủ yếu giải quyết các công việc hàng ngày hơn là thực hiện những cải cách lớn.
Nếu các cuộc đàm phán chính trị kéo dài quá lâu trong kỳ nghỉ hè và Thế vận hội Olympic diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 tại Paris, nhà sử học chính trị Jean Garrigues cho biết “thời kỳ chuyển tiếp” không bị loại trừ, trong đó chính phủ trung dung của ông Macron “vẫn sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề hiện tại” cho đến khi có quyết định tiếp theo.
Các cuộc đàm phán trong 48 giờ tới sẽ rất quan trọng và có thể thay đổi đáng kể kết quả, có khả năng quyết định liệu RN có đạt được đa số hoàn toàn trong Quốc hội hay không. Điều đó khiến kết quả của vòng hai trở nên cực kỳ khó dự đoán.
Ngọc Ánh (theo AP, Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cuoc-dua-tam-ma-bau-cu-quoc-hoi-phap-se-dien-ra-nhu-the-nao-post301874.html