Giá của nhiều loại hàng hóa nguyên liệu trên thế giới ghi nhận những biến động rất mạnh trong 3 tháng đầu năm. Chỉ số hàng hóa MXV-Index có những thời điểm giảm gần 10% so với cuối năm ngoái. Nhưng nhờ ưu điểm giao dịch cả hai chiều mua và bán, nên giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) vẫn đạt trung bình hơn 3.800 tỷ đồng/ngày.
Cuộc đua tam mã cho vị trí dẫn dầu
Theo số liệu từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi vẫn nắm giữ thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Việt Nam trong quý I, chiếm 24,2% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, vị trí số 1 đang chứng kiến cuộc đua sôi động chưa từng có, khi các vị trí tiếp theo đều có thị phần không chênh lệch nhiều so với Gia Cát Lợi.
Chỉ kém 0,2% so với vị trí dẫn đầu, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) đang đứng thứ 2 với 24% thị phần. Đây cũng là Thành viên có số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm, góp phần giúp số tài khoản đang giao dịch trên thị trường hàng hóa Việt Nam vượt mốc 24.000 tài khoản.
Đạt tốc độ tăng trưởng giao dịch lên tới 150% trong tháng 3, Công ty Cổ phần Saigon Futures đang phả hơi nóng vào 2 vị trí dẫn đầu, khi nắm giữ 17,7% thị phần môi giới. Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) và Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Quốc tế (MXL) lần lượt xếp ở các vị trí kế tiếp với 7,2% và 4,4% thị phần.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV cho biết: “Các Thành viên đang có thị phần môi giới lớn đều là những thành viên có quy mô, kinh nghiệm và hoạt động chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, khi chất lượng Thành viên ngày càng được nâng cao, vị trí số 1 về thị phần môi giới sẽ là cuộc đua của 5 – 10 công ty, chứ không phải 3 – 5 công ty như hiện nay”.
Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa VMEX, Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản và Thương mại VQB, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á đang bám rất sát top 5 và sẽ không có gì bất ngờ nếu lọt vào top 5 thị phần trong các quý tới.
Đồng micro lọt vào top 5 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất
Trong số 42 sản phẩm đang được giao dịch tại MXV, Dầu thô WTI Micro vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, nhưng tỉ lệ đã giảm nhiều so với các quý trước, đạt 17,4% tổng khối lượng giao dịch tại Việt Nam. Đứng thứ 2 là hợp đồng tiêu chuẩn Dầu thô WTI, đạt 10,3% tổng khối lượng. Các mặt hàng trong nhóm nông sản là Đậu tương và Khô đậu tương lần lượt đứng kế tiếp, với 8,8% và 8,1%. Đây là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, khi nước ta vẫn là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 2 trên thế giới.
Trong số các sản phẩm mới được triển khai, Đồng Micro đang thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư vào nhóm kim loại. Dù mới chỉ bắt đầu giao dịch từ tháng 07/2022, nhưng Đồng Micro hiện đã chiếm gần 8% tổng khối lượng giao dịch, đứng vị trí thứ 5 trong số các mặt hàng giao dịch nhiều nhất tại MXV. Mức ký quỹ nhỏ (chỉ chưa đến 16 triệu đồng); thời gian giao dịch 23 giờ mỗi ngày; giao dịch T0 với tính thanh khoản rất cao; Đồng Micro đang là một trong những mặt hàng hấp dẫn nhất đối với các quy mô vốn đầu tư nhỏ và vừa.
Nâng cao chất lượng của thị trường giao dịch
Trong quý I, MXV đã công nhận tư cách thêm 1 Thành viên kinh doanh, là Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Amber. Hiện nay, MXV đang có 37 Thành viên thị trường, cùng các văn phòng, chi nhánh khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Với mục tiêu nâng cao “chất” của thị trường thông qua việc phát triển quy mô và chất lượng của các thành viên, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Thành viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai trong thời gian qua.
Nhìn chung, các Thành viên của MXV đều tuân thủ đúng Pháp luật Việt Nam và quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông. “Các Thành viên có kết quả hoạt động tốt đều là những Thành viên tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình, quy chế do MXV ban hành; không có vi phạm đến mức cảnh cáo toàn thị trường. Điều này giúp các Thành viên xây dựng hình ảnh tốt, chuyên nghiệp và thu hút nhiều nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Trong 3 tháng đầu năm, MXV đã xử lý 11 vi phạm đối với các Thành viên thị trường từ hình thức cảnh cáo toàn thị trường trở nên; chấm dứt tư cách của 2 Thành viên kinh doanh. Đây là những hành động quyết liệt, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Theo kế hoạch, MXV sẽ sớm triển khai tổ chức đánh giá, xếp hạng Thành viên định kỳ hàng năm. Bộ tiêu chí đánh giá Thành viên sẽ bao gồm: tiêu chí an toàn tài chính, tiêu chí hoạt động giao dịch, tiêu chí tuân thủ và tiêu chí minh bạch thông tin. Các tiêu chí này sẽ được đánh giá một cách minh bạch và công bố thông tin rộng rãi đối với toàn thị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các Thành viên thị trường đều hưởng ứng nhiệt liệt và tin rằng bảng xếp hạng Thành viên sẽ tạo động lực giúp thị trường hàng hóa phát triển bùng nổ hơn trong tương lai. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự chuyên nghiệp của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, tiệm cận với các tiêu chuẩn trên thị trường thế giới.