Cuộc đua vào Nhà Trắng đang tiến vào giai đoạn nước rút với các diễn biến theo hướng công kích – đáp trả đầy kịch tính giữa hai ứng viên: đương kim Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của cựu tổng thống Barack Obama trong buổi vận động của bà Harris vào ngày 24-10 tại tiểu bang Georgia đã đánh dấu “át chủ bài” lớn nhất đối với nỗ lực thống nhất lá phiếu trong nội bộ đảng Dân chủ.
Tung hết “át chủ bài”
Mặc dù ông Obama ban đầu có lập trường không ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên thay thế ông Biden, nhưng nỗ lực từ đầu tháng 10-2024 của ông Obama khi triển khai chiến dịch hỗ trợ tranh cử kéo dài 27 ngày cho bà Harris ở các tiểu bang “chiến trường” đã củng cố tinh thần đoàn kết của đảng Dân chủ lên một tầm cao mới
Lần xuất hiện chung với ông Obama là một trong chuỗi sự kiện nằm trong chiến thuật huy động lá phiếu nhờ vào các nhân vật có ảnh hưởng đại chúng (KOL) vốn là lợi thế truyền thống của đảng Dân chủ.
Chiến dịch của bà Harris dường như đã liên tục vận động sự hiện diện của các nghệ sĩ có tên tuổi khi tổ chức sự kiện tranh cử ở quê hương của họ. Điển hình như sự góp mặt mới đây của ca sĩ nhạc rap Eminem ở Detroit, diễn viên từng đoạt giải Oscar Julia Roberts trong chiến dịch vận động ở Georgia,… và gần nhất là sự xuất hiện của huyền thoại nhạc đồng quê Willie Nelson và ca sĩ Beyonce bên cạnh bà Harris ở Houston.
Thêm vào đó, làn sóng ủng hộ trước đó từ nữ ngôi sao nhạc pop Taylor Swift, nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey cùng một loạt các ngôi sao Hollywood khác như Meryl Streep, Bryan Cranston, Chris Rock và Jennifer Lopez… đã củng cố sức hấp dẫn truyền thông cho chiến dịch của bà Harris. Lợi thế truyền thông này của đảng Dân chủ được cho là vượt trội khi so sánh với sức ảnh hưởng của các nhân vật KOL ủng hộ ông Trump như tỉ phú Elon Musk, Steve Wynn hay huyền thoại quyền anh Mike Tyson.
Bù lại, các nhân vật như ông Elon Musk lại đang giúp phía ông Trump “tất tay” trong cuộc đua về năng lực tài chính giữa các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) – các tổ chức hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử của mỗi ứng viên. Cụ thể, chỉ một mình khoản đầu tư 43,6 triệu USD của tỉ phú Musk vào America PAC đã giúp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump giảm được khoảng cách với kỷ lục gây quỹ của bà Harris. Trong đó, chỉ riêng FF PAC – siêu ủy ban hành động chính trị lớn nhất ủng hộ bà Harris – đã báo cáo khoản gây quỹ khổng lồ lên tới 89 triệu USD trong nửa đầu tháng 10.
Và chủ bài cuối cùng đến từ nỗ lực vận động phiếu bầu từ nhóm cử tri dao động ngay tại “sân nhà” của đối thủ khi bà Harris tiến hành sự kiện tranh cử tại bang Texas – thành trì của đảng Cộng hòa. Mặc dù theo thăm dò của tờ New York Times, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump ở bang Texas đến ngày 25-10 chỉ ở mức quá bán là 52%, còn bà Harris lại đang duy trì được mức gây quỹ kỷ lục khi huy động được đến 30 triệu USD rất gần với mức huy động 35 triệu USD của ông Trump và có vẻ như đang rút dần khoảng cách ngay tại “sân nhà” của đảng Cộng hòa.
Chiến thuật “tập hậu”
Phương án đáp trả theo phương án “ăn miếng trả miếng” quyết liệt như giai đoạn đầu tháng 10 tuy vẫn được ông Trump vận dụng khi liên tiếp đáp trả các chỉ trích cá nhân của bà Harris bằng một loạt các lời lẽ tương tự, nhưng nhiều chỉ dấu cho thấy chiến dịch của ông đang dàn trận theo hướng phòng thủ “tập hậu” nhiều hơn.
Thế trận phòng thủ này được thể hiện qua động thái ông Trump quyết định củng cố ảnh hưởng ngay tại “sân nhà” khi tổ chức vận động tại Texas vào cùng khoảng thời gian với bà Harris, bất kể kết quả nhiều bảng khảo sát cho thấy bà Harris khó có khả năng chiến thắng tại tiểu bang này. Dĩ nhiên trước đó, ông Trump đã tiến hành cuộc vận động tương tự nhưng kém hiệu quả ở tiểu bang California – “thành trì” của đảng Dân chủ và cũng là quê nhà của bà Harris.
Ngoài ra, khác với thái độ có phần nóng nảy trước đây, ông Trump hiện đang cho thấy một lập trường mới khi cố gắng không nhắc nhiều đến các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa đang ủng hộ bà Harris nhằm làm đậm hơn sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa. Thậm chí, ông Trump còn công khai cho biết sẵn sàng ân xá cho Hunter Biden (con trai đã bị kết án của Tổng thống Joe Biden) ngay khi ông tái đắc cử như một động thái thể hiện sự khoan dung hiếm thấy với đảng Dân chủ.
Các hoạt động phô trương lúc này của ông Trump có lẽ nhầm che chắn một “át chủ bài” trong thế trận của đảng Cộng hòa. Đó chính là một mạng lưới đang được củng cố thầm lặng bao gồm các nhà tài trợ và giới tỉ phú của đảng Cộng hòa với tổng đầu tư hơn 140 triệu USD cho một nền tảng giám sát sự toàn vẹn của cuộc bầu cử vào ngày 5-11 sắp tới nhằm tránh những tình huống gây tranh cãi như bốn năm trước.
Do đó, dường như cả hai ứng viên Harris và Trump đều đang triển khai các “đòn chốt hạ” của mình trong giai đoạn nước rút cuối cùng trước ngày bầu cử 5-11 sắp tới. Thế trận chủ công của bà Harris lẫn xu hướng phòng thủ – tập hậu của ông Trump hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều diễn biến kịch tính, khiến cho kết quả cuối cùng càng trở nên khó đoán.
Thăm dò: ông Trump đang dẫn trước
Tuy các bảng thăm dò vào nửa cuối tháng 10 đang cho thấy thế cân bằng sít sao với 49% ý kiến ủng hộ chia đều cho mỗi ứng viên ở cả bảy tiểu bang “chiến trường”, nhưng khảo sát tổng thể trên toàn quốc do tạp chí Forbes phối hợp với Công ty tư vấn chiến lược HarrisX công bố mới đây lại có phần nghiêng nhẹ về ông Trump với lợi thế đến 2 điểm phần trăm (51 – 49).
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/cuoc-dua-harris-trump-nuoc-co-cuoi-20241025222847525.htm