Ngày 28/5, hàng ngàn cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng thứ 2 lần đầu tiên trong lịch sử. Hai “vận động viên” trong cuộc đua gay cấn và đầy kịch tính này là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ứng cử viên của Liên minh Quần chúng, và ông Kemal Kilicdaroglu, ứng cử viên của Liên minh Quốc gia.
Giữa rừng người vẫy cờ ủng hộ trước thềm “giờ G”, cả hai ứng cử viên đã có những lập luận riêng để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử quan trọng này. Với Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan, ông kêu gọi cử tri ủng hộ liên minh của ông trong Quốc hội sẽ tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ ông làm Tổng thống, để quyền lập pháp và hành pháp có thể hoạt động một cách hài hòa.
Ông nói: “Ông Kilicdaroglu sẽ làm gì nếu được bầu làm tổng thống? Ông có thể làm gì khi không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội? Quyền lập pháp ở đâu? Tất nhiên, nó đang ở trong Quốc hội. Liên minh Quần chúng của chúng tôi có 323 nghị sĩ trong đó. Ông ấy sẽ thông qua các dự luật như thế nào? Chúng ta hãy bỏ phiếu để đảm bảo rằng quyền lập pháp và hành pháp có thể hoạt động hài hòa. Chúng ta có thể cho phép điều ngược lại không? Hãy đi bỏ phiếu để tránh điều đó”.
Trong khi đó, đối thủ của ông lại tập trung vào sự khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu cho sự thay đổi: “Tình hình hiện tại của đất nước chúng ta là không tốt. Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thoát ra khỏi điều này. Để có thể làm được điều đó, chúng ta cần phải cùng nhau chiến đấu. Bất kể chúng ta nhìn vào những điều kiện hiện tại như thế nào, một bầu không khí bi quan đã được tạo ra cho tất cả mọi người. Tất cả chúng tôi đều nhận thức được điều này. Vì vậy, chúng tôi sẽ đi bỏ phiếu để thay thế chính phủ hiện tại thông qua các biện pháp dân chủ”.
Trên thực tế, ông Kemal Kilicdaroglu đang gặp một số bất lợi trong cuộc đua vòng 2 so với đối thủ của mình. Thứ nhất, số phiếu bầu vòng 1 của ông Kemal Kilicdaroglu thấp hơn gần 5% so với đối thủ, khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đạt hơn 49% số phiếu bầu, gần đủ chiến thắng ở vòng 1.
Kết quả trên sẽ thúc đẩy những cử tri còn do dự, chưa quyết định lựa chọn ở vòng đầu chuyển sang ủng hộ đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh sự bất ổn chính trị trong nước. Họ cho rằng, đất nước đang ổn định, việc ông Kemal Kilicdaroglu thắng cử sẽ làm xáo trộn tình hình, đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, trước tiên là cách chuyển đổi từ chế độ tổng thống sang chế độ nghị viện mà Liên minh Quốc gia của ông Kemal Kilicdaroglu nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử.
Thứ hai, ứng cử viên về thứ 3 trong cuộc bỏ phiếu vòng 1, ông Sinan Ogan, người có hơn 5% lượng cử tri ủng hộ mới đây đã tuyên bố sẽ ủng hộ đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong vòng 2 và kêu gọi những cử tri đã bỏ phiếu cho mình trong vòng đầu tiên bỏ phiếu cho ông Recep Tayyip Erdogan trong vòng bỏ phiếu ngày 28/5.
Giới chuyên gia đánh giá rằng khối dân tộc chủ nghĩa của ông Sinan Ogan có những quan điểm tương đồng với Liên minh Quần chúng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hơn so với Liên minh Quốc gia của đối thủ Kemal Kilicdaroglu, người đã không nhận được sự ủng hộ của họ ngay từ đầu.
Khi đưa ra tuyên bố quan trọng trên, ông Sinan Ogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở “thời điểm quan trọng” và đưa ra 4 ưu tiên mà nước này cần giải quyết một cách khẩn cấp: Gồm vấn đề người tị nạn và người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ, “mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp” sau các trận động đất gần đây, các vấn đề kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố.
Mặc dù vậy, không phải không có cơ hội để ông Kemal Kilicdaroglu lội ngược dòng. Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, để đắc cử tổng thống, ứng cử viên phải giành được ít nhất 50% số phiếu + 1 phiếu. Hiện phe đối lập đang tập trung xoáy vào những điểm yếu của ông Recep Tayyip Erdogan, đặc biệt là trong vấn đề người tị nạn và việc giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, hiện có 3,9 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, gồm những người từ Syria, Afghanistan và Pakistan, trong khi ông Kemal Kilicdaroglu lại cho rằng, con số này lên tới 10 triệu người. Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ coi người nhập cư là một trong các vấn đề chính của cuộc bầu cử hiện nay. Các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy hơn 85% số người được hỏi muốn những người tị nạn rời đi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả 2 điểm yếu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước cuộc bầu cử ngày 14/5, là thảm họa động đất (đã khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, gần 2 triệu người mất nhà mất cửa trong tổng số 14 triệu người bị ảnh hưởng) và khó khăn về kinh tế, với mức lạm phát lên đến khoảng 44% vào tháng 4/2023 đều không khiến ông bị mất nhiều phiếu.
Trong vòng một, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã dẫn đầu tại 9 thành phố, trong khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông đứng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội tại 10/11 thành phố bị động đất tàn phá. Trong khi các cử tri đánh giá rằng, chính sách kinh tế của ông Recep Tayyip Erdogan là một thất bại, nhưng họ cũng không tin tưởng ông Kemal Kilicdaroglu là một lãnh đạo có khả năng giải quyết vấn đề.
Hiện nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đã giúp Thỗ Nhĩ Kỳ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng và các kế hoạch năng lượng quan trọng. Ông cũng được yêu thích khi là người theo đuổi đường lối đối ngoại tự chủ, không cố núp dưới một chiếc ô an ninh và tìm cách duy trì quan hệ tốt với mọi cường quốc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy sự đổi mới của đất nước sau 20 năm lãnh đạo của ông Recep Tayyip Erdogan. Họ muốn Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn về kinh tế, mức sống được cải thiện cùng với việc hạn chế được tình trạng nhập cư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, cuộc bầu cử Tổng thống đang được người dân Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm hơn bao giờ hết.
Quốc tế cũng đang theo sát cuộc bầu cử này, bởi tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề quốc tế lớn. Với vai trò là thành viên quan trọng của NATO, có sức ảnh hưởng lớn tại khu vực Trung Đông cũng như có mối quan hệ mật thiết với cả Nga và phương Tây, việc ai trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những tác động lớn đến bối cảnh khu vực và toàn cầu.
Nguồn:https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cuoc-dua-gay-can-va-day-kich-tinh-i694927/