Sau cửa hàng đầu tiên khai trương, %Arabica đang chuẩn bị mở điểm kinh doanh thứ hai tại TP.HCM. %Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Kyoto (Nhật Bản), được thành lập bởi ông Kenneth Shoji vào năm 2014. Thương hiệu này đang kinh doanh 140 cửa hàng trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, chuỗi có tham vọng mở rộng sự hiện diện tại Hà Nội, Hội An, Phú Quốc. Sau nhiều chuỗi cà phê thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam, sự xuất hiện của %Arabica càng làm cho thị trường thêm sôi động.
Trước đó, Café Amazon là chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan đã có mặt tại Việt Nam. Chuỗi này phát triển được 19 cửa hàng tại khu vực phía Nam, trong đó 15 địa điểm tại TP.HCM.
Được thành lập vào năm 2002, Café Amazon là chuỗi cà phê có thương hiệu lớn nhất Thái Lan với 3.900 cửa hàng. Theo kế hoạch, chuỗi này sẽ mở 1.000 cửa hàng ngoài Thái Lan, từ nay đến năm 2025.
Đang tiến dần tới mục tiêu khai trương cửa hàng thứ 100 trong năm nay, Starbucks là chuỗi cà phê đến từ Mỹ, có 10 năm kinh doanh tại Việt Nam. Tính hết năm 2022, Starbucks có 87 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở TP.HCM với 50 điểm bán, Hà Nội có 25 điểm, tiếp theo là Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang…
Đứng đầu thị trường về cả quy mô và doanh thu là Highlands Coffee. Mặc dù là thương hiệu chuỗi cà phê Việt nhưng Highlands Coffee đã về tay Tập đoàn Jollibee (Philippines) năm 2011.
Highlands Coffee đang có 609 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu của Highlands Coffee dự kiến phục hồi trong năm nay khi liên tục mở thêm điểm bán. Ngoài Việt Nam, Highlands Coffee còn có hơn 50 địa điểm kinh doanh tại Philippines.
Năm 2022, thị trường xôn xao về thông tin, Jollibee tìm đối tác để bán lại 10-15% cổ phần của Highlands Coffee. Chuỗi cà phê này được định giá khoảng 800 triệu USD.
Cùng chủ với Highlands Coffee là chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf. Đây cũng là chuỗi cà phê quốc tế có mặt rất sớm tại Việt Nam từ năm 2006. Tuy nhiên, số cửa hàng của The Coffee Bean & Tea Leaf khá khiêm tốn, chỉ đạt 15 tới thời điểm này.
The Coffee Bean & Tea Leaf được thành lập từ năm 1963 tại Los Angeles (Mỹ). Năm 2019, tập đoàn thực phẩm Jollibee (Philippines) đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi cà phê này.
Tạm thời thu gọn
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chỉ Highlands Coffee, Starbucks… kinh doanh hiệu quả khi phát triển chuỗi đạt quy mô lớn. Còn Café Amazon, The Coffee Bean & Tea Leaf,… gặp khó khăn trong gian đoạn đầu là điều khó tránh khỏi. Việc đặt chân vào Việt Nam thời điểm này vẫn chỉ là nền tảng cho thương hiệu phát triển lâu dài, chưa thể tính ngay tới lợi nhuận.
Trong bối cảnh tiêu dùng giảm sút, chiến lược của các cửa hàng cà phê chuỗi lúc này là tạm thu gọn để dồn lực phát triển bền vững về lâu dài.
Cuối năm 2022, Highlands Coffee thay đổi logo thương hiệu lần thứ 4. Có thời điểm, chuỗi này còn đầu tư ô tô lưu động đổ bộ đường phố, bán cà phê giá rẻ hơn 16.000 đồng. Highlands Coffee đã từng gặp phải lùm xùm nợ tiền thuê mặt bằng và đóng cửa một số địa điểm kinh doanh.
Cũng như Highlands Coffee, Starbuck đã đóng cửa hàng kinh doanh tại khách sạn Rex (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM), Starbucks Press Club (Hà Nội) và Starbucks Lan Viên (cửa hàng đầu tiên mở tại Hà Nội). Thay vì mở các địa điểm bán hàng ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố, Starbucks chuyển hướng sang mô hình cửa hàng nhỏ, các khu đô thị mới, văn phòng.
Các chuỗi cà phê còn đẩy mạnh bán online trên nền tảng giao hàng trực tuyến như ShopeeFood hay Grab. Starbucks đã mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử để bán cốc, bình đựng nước, túi vải…
Còn lại Café Amazon hay %Arabica đang dè dặt mở thêm các cửa hàng dù tiềm lực tài chính chính khá lớn. Đơn cử như Café Amazon được sở hữu với 60% bởi PTT Oil and Retail Business (OR) và 40% bởi tập đoàn bán lẻ khổng lồ Central Group, đều của Thái Lan.
Mặc dù chiếm nhiều lợi thế nhưng không phải chuỗi cà phê ngoại nào cũng thành công. NYDC – New York Dessert Café, Gloria Jean’s Coffees, Espressamente Illy đã sớm phải nói lời tạm biệt vì kinh doanh không hiệu quả.
Nghiên cứu của Cổng thông tin Cà phê Thế giới dự báo, chuỗi cà phê tại Việt Nam đạt hơn 5.200 cửa hàng vào năm 2025. |